Multimedia Đọc Báo in

Bảo hiểm y tế trẻ em - đừng để “nước đến chân mới nhảy”

09:24, 10/01/2011

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đến cuối năm 2010, tổng số trẻ em từ 0 - 6 tuổi của toàn tỉnh là 194.586 em. Trong đó có đến 11.375 trẻ em dưới 6 tuổi chưa được làm thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Tuy nhiên nếu thống kê đầy đủ thì con số này còn cao gấp nhiều lần.

Tìm hiểu về việc khám chữa bệnh cho trẻ dưới 6 tuổi bằng thẻ BHYT tại một số bệnh viện trong tỉnh thì thấy có rất nhiều bậc phụ huynh đem con đi khám bệnh đã không có thẻ BHYT. Khi cán bộ y tế yêu cầu phải có thẻ để làm thủ tục lúc này nhiều người mới thấy được ý nghĩa của thẻ. Có vợ chồng trẻ hoàn cảnh khó khăn vì chưa làm thẻ cho trẻ nên cứ năn nỉ cán bộ y tế cho nợ thẻ để làm bổ sung sau. Thực tế cho thấy nhiều phụ huynh có con nhỏ dưới 6 tuổi  rất xem nhẹ việc làm BHYT cho con. Đến khi con đau ốm, bệnh viện yêu cầu phải có thẻ BHYT thì mới vội vã tìm kiếm, xin làm bổ sung v.v... Theo quy định, trẻ dưới 6 tuổi là đối tượng được khám, chữa bệnh miễn phí bằng BHYT. Luật mới  về BHYT có hiệu lực từ ngày 1-7-2009 quy định về chế độ, chính sách BHYT, trong đó trẻ em dưới 6 tuổi tham gia BHYT được miễn 100% mức đóng. Quy định này một lần nữa đã khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến đối tượng trẻ em, bảo đảm quyền được khám chữa bệnh cho trẻ em dưới 6 tuổi, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu về chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho trẻ em dưới 6 tuổi. Tuy nhiên, việc làm thẻ BHYT, cấp thẻ cũng như vấn đề sử dụng thẻ BHYT trẻ em dưới 6 tuổi có nhiều bất cập. Nhiều bậc cha mẹ chưa quan tâm đến những quy định về BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi, nên không chú trọng việc khai báo để làm BHYT cho con. Chỉ đến khi các cháu bị bệnh nặng, phải chuyển tuyến, bắt buộc phải có thẻ BHYT, lúc này thì gia đình mới gặp cán bộ cơ sở để xin đăng ký làm thẻ cho con em mình.

a
Khám bệnh BHYT tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.


Trường hợp cháu Nguyễn Anh Đoàn (3 tuổi), con trai của anh Nguyễn Tiến Đức ở thôn 9 xã Ea M’đoan (huyện M’Drak) là một ví dụ.  Ngày 18-12 vừa qua, do cháu hiếu động nghịch ngơm nên bị nứt xương tay phải đưa vào Bệnh viện Đa khoa huyện M’Drak điều trị nhưng không có thẻ BHYT. Vì thế  anh Tiến đã báo với bệnh viện là con anh chưa có BHYT. Nhưng khi cán bộ y tế tìm danh sách trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ BHYT trong máy  tính của đơn vị thì vẫn có tên con anh. Bệnh viện đã yêu cầu gia đình làm lại thẻ nếu bị mất. Lúc này anh Đức mới chạy đến cơ quan này cơ quan kia xin xác nhận các loại giấy tờ vì nếu không có thẻ BHYT thì chi phí chữa bệnh của con anh rất lớn, gia đình lại khó khăn. Anh Đức kể: “Tôi cũng không nhớ rõ là con mình đã nhận thẻ BHYT hay chưa vì hình như là vừa rồi gia đình có đưa giấy khai  sinh cho cán bộ xã để làm thẻ. Khi đưa con đi viện  lục tìm khắp nơi nhưng không thấy”.

Bác sĩ Phan Văn Viết, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa M’Drak cho biết: Trong danh sách thẻ BHYT trẻ em dưới 6 tuổi đăng ký tại Bệnh viện huyện M’Drak có gần 8.500 thẻ. Hầu hết các trường hợp trẻ đến khám tại bệnh viện đều thuộc dạng bệnh nặng, nhưng có gần một nửa trường hợp bệnh nhi được cha mẹ đã khai báo là mất thẻ, chưa làm thẻ, hoặc có thẻ nhưng không nhớ để chỗ nào. Vì vậy để đảm bảo quyền lợi cho trẻ em được chăm sóc sức khỏe, được khám chữa bệnh bằng BHYT, Bệnh viện Đa khoa huyện M’Drak đã tạo điều kiện giải quyết mềm dẻo cho gia đình. Còn nếu trường hợp bệnh nhi phải chuyển tuyến trên thì thủ tục BHYT sẽ khắt khe hơn. Thiệt thòi sẽ thuộc về gia đình.  

Thiết nghĩ, để mọi trẻ em dưới 6 tuổi được khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT thì các bậc phụ huynh nên chấp hành làm thẻ cũng như sử dụng thẻ đúng như hướng dẫn, đừng để việc khám chữa bệnh cho trẻ bằng BHYT theo kiểu “nước đến chân mới nhảy”, vừa gây phiền hà cho cơ quan chức năng lại còn ảnh hưởng đến quyền lợi của chính con em mình.

X.H

 


Ý kiến bạn đọc