Multimedia Đọc Báo in

Đào tạo cô đỡ thôn buôn: Góp phần thiết thực trong công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản tại cộng đồng

11:25, 24/01/2011

Với mục tiêu đào tạo cán bộ y tế ngay tại cộng đồng, khóa đào tạo “Cô đỡ thôn buôn” đã góp phần cung cấp cho cán bộ y tế và cô đỡ thôn, buôn các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số những kiến thức cơ bản nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) ngay tại cộng đồng, giảm tai biến sản khoa và củng cố mạng lưới y tế cơ sở.

Khóa học trên nằm trong Chương trình “Giảm tử vong mẹ và tử vong sơ sinh” do Sở Y tế, Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Trung tâm CSSKSS tổ chức. 19 học viên nữ dân tộc thiểu số đến từ các thôn, buôn trên địa bàn tỉnh đã tham gia khóa học. Hầu hết họ còn rất trẻ và chưa có những trải nghiệm, nhưng khi được chọn tham gia khóa học đều có chung nguyện vọng học thật tốt để nâng cao kiến thức và góp phần vào công tác CSSKSS cho phụ nữ vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Do điều kiện đời sống và phong tục tập quán lạc hậu nên hiện tại ở một số địa phương, vấn đề CSSKSS cho bà mẹ và trẻ sơ sinh vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Thêm vào đó, ở nhiều địa phương, đường sá đi lại khó khăn, người dân khó tiếp cận với các cơ sở y tế nên hay sinh con tại nhà. Không những vậy, người đỡ đẻ thường chỉ dựa vào kinh nghiệm là chính, không có kiến thức về chăm sóc sức khỏe cộng đồng nên đôi khi xảy ra tai biến sản khoa, không xử lý kịp thời dẫn đến tử vong mẹ, con. 

Các học viên thực hành thăm khám cho bà mẹ sau sinh tại Khoa Phụ sản (Bệnh viện Đa khoa tỉnh).
Các học viên thực hành thăm khám cho bà mẹ sau sinh tại Khoa Phụ sản (Bệnh viện Đa khoa tỉnh).

Bác sĩ Đinh Viết Quang, Phó trưởng Khoa Phụ sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, đây là khóa học đầu tiên được tổ chức với mục tiêu góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình Giảm tử vong mẹ và tử vong sơ sinh. Đồng thời, khóa học sẽ cung cấp cho cán bộ y tế cơ sở và các cô đỡ thôn, buôn những kiến thức cơ bản, cần thiết để khi về cơ sở sẽ góp phần quản lý thai nghén, phát hiện những nguy cơ trong quá trình mang thai, chuyển dạ, sau sinh, để có thể sơ cứu, hoặc giúp đỡ, tư vấn cho các bà mẹ chuyển đến những cơ sở y tế cần thiết. Sau thời gian đào tạo 6 tháng (học lý thuyết 1,5 tháng, còn lại thực hành) theo hình thức “cầm tay chỉ việc”, đến nay, các học viên đã cơ bản sử dụng được một số thiết bị y tế hiện đại, nắm bắt được các kỹ năng khám và chăm sóc sản phụ. Chị Bia (dân tộc Xê Đăng) là cô đỡ ở buôn Dak Leng 2 (xã Ea Uy, huyện Krông Pak) đã được 5 năm, thổ lộ: “Trong quá trình làm cô đỡ và cộng tác viên dân số của buôn, tôi đã giúp đỡ cho 10 sản phụ “mẹ tròn con vuông” nhưng chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. Được tham gia khóa học này, tôi đã có thêm nhiều kiến thức về CSSKSS, quản lý thai nghén cũng như hiểu rõ những tai biến có thể xảy ra trong quá trình chuyển dạ, sinh đẻ và có đủ kiến thức để tư vấn cho những thai phụ sinh khó, thai ngược kịp thời đến các cơ sở y tế”. Còn chị Mo Nhia (xã Ea Hiu, huyện Krông Pak), bộc bạch: “Lớp học này rất bổ ích. Khi trở về buôn, ngoài việc giúp đỡ chị em CSSKSS, tôi sẽ tuyên truyền cho mọi người hiểu được những tác hại của việc sinh con tại nhà và vận động họ sửa đổi dần những phong tục, tập quán lạc hậu”.                                   

Có thể nói, khóa học đã đào tạo được các cán bộ y tế và cô đỡ thôn, buôn nhằm hỗ trợ, tăng cường cho các trạm y tế tại địa phương trong công tác CSSKSS, tiêm chủng mở rộng, tuyên truyền, vận động các cặp vợ chồng thực hiện kế hoạch hóa gia đình, góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu của Chương trình Giảm tử vong mẹ - tử vong sơ sinh.

 

Yến Ngọc

 


Ý kiến bạn đọc