Multimedia Đọc Báo in

Bệnh sỏi tiết niệu và phương pháp điều trị mới

09:09, 23/02/2011

Sỏi tiết niệu đứng hàng đầu trong số các bệnh lý của hệ tiết niệu, là bệnh thường gặp và hay tái phát do sự kết thạch của một số thành phần trong nước tiểu. Sỏi tiết niệu có thể gây đau, tắc đường tiết niệu và nhiễm khuẩn, rất nguy hại cho sức khỏe người bệnh. Theo thống kê, hiện nay tại Việt Nam có khoảng 3% dân số mắc bệnh này.

Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh sỏi tiết niệu, có thể là do di truyền, nhiễm khuẩn hoặc chế độ ăn uống, sinh hoạt không hợp lý... Bệnh thường gặp ở những người trong độ tuổi lao động, nhất là những người thường xuyên làm việc trong môi trường nóng bức, ít uống nước, ít vận động... Thường khi mới bị sỏi tiết niệu, người bệnh sẽ không thấy triệu chứng đặc biệt và không để ý, sỏi được hình thành một cách âm thầm và chỉ được phát hiện khi có cơn đau quặn thắt. Người bệnh sẽ có những cơn đau đột ngột và dữ dội ở vùng thắt lưng và vùng bụng dưới, đi tiểu buốt, tiểu khó và ra máu, sốt cao, rét run, nặng hơn có thể bị phù, nôn mửa.... Nếu không được chẩn đoán, điều trị kịp thời, bệnh sẽ gây tắc đường niệu và dẫn đến nhiều biến chứng như: nhiễm khuẩn đường tiết niệu, nhiễm khuẩn huyết, chức năng thận bị suy giảm, người bệnh có thể tử vong.

Trước đây, bệnh sỏi tiết niệu thường được điều trị bằng phương pháp mổ mở đường tiết niệu để lấy sỏi. Tuy nhiên phương pháp này mất nhiều thời gian điều trị sau mổ, bệnh nhân bị đau lâu và có thể gây biến chứng như hẹp đường niệu dễ dẫn đến thận ứ nước, từ đó dễ mắc các bệnh về thận. Hiện nay, nhiều kỹ thuật mới đã được Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh áp dụng có hiệu quả trong việc điều trị bệnh sỏi tiết niệu như: tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi bằng laser qua nội soi ngược dòng.

Chị Nguyễn Thị Mai ở xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột) bị thận ứ nước độ 3, có sỏi niệu quản khúc nối bể thận trái với kích thước 2,2 cm. Các bác sĩ chẩn đoán đây là trường hợp bệnh khá nguy hiểm do sỏi có kích thước lớn, lại nằm ở vị trí cao, kề thận, nên việc đưa ống cứng dò tìm và tán sỏi rất phức tạp, đòi hỏi kỹ thuật cao và độ chính xác tuyệt đối. Trong suốt quá trình tán sỏi, bệnh nhân vẫn tỉnh táo theo dõi các thao tác của bác sĩ qua màn hình nội soi vì trước đó đã được gây tê tủy sống. Sau hơn 20 phút, viên sỏi cuối cùng đã được tán xong, sức khỏe bệnh nhân hoàn toàn ổn định.

Trường hợp khác là bệnh nhân Trần Văn Dùng, ở Buôn Trấp (Krông Ana) được chẩn đoán sỏi niệu quản 1/3 bên trái có kích thước 2 cm. Trường hợp này sỏi lớn và cứng, đã được chỉ định mổ. Nhưng khi được biết có thể điều trị bằng kỹ thuật tán sỏi mới, gia đình bệnh nhân đã đề nghị được điều trị bằng phương pháp này. Tán sỏi chỉ mất 30 phút, bệnh nhân vẫn tỉnh táo và sức khỏe bình thường.

Đây là hai trong số những bệnh nhân bị sỏi tiết niệu được điều trị tán sỏi bằng laser qua nội soi ngược dòng. Tán sỏi bằng laser qua nội soi ngược dòng là một ứng dụng mới của laser trong lĩnh vực tán sỏi mang lại hiệu quả cao và an toàn, không gây tổn thương niệu quản, chỉ mất từ 5-30 phút là có thể tán xong, thời gian nằm viện ngắn, sau khi tán sỏi bệnh nhân có thể xuất viện ngay trong ngày hoặc vào ngày hôm sau, tiết kiệm chi phí cho bệnh nhân. Bệnh nhân không bị đau đớn, không có vết mổ, không có sẹo.

Bệnh nhân sau khi được chẩn đoán và có chỉ định tán sỏi sẽ được khám và chẩn đoán bằng siêu âm và chụp X-quang. Trước khi tán sỏi, bệnh nhân sẽ được gây tê tủy sống, các bác sĩ dùng ống soi niệu quản qua đường niệu đạo đến sỏi, dây dẫn tia laser sẽ tiếp cận sỏi. Nước muối sinh lý cũng được đưa vào, tùy theo độ cứng của sỏi mà các bác sĩ sẽ dùng tia laser cường độ lớn hay nhỏ để bắn vào viên sỏi. Sỏi đã vỡ nát sẽ theo nước tiểu ra ngoài.

 

Ngọc Lan

 


Ý kiến bạn đọc