Dự án Salin: Góp phần nâng cao nhận thức về sức khỏe sinh sản cho thanh niên và trẻ vị thành niên
Trong thời gian qua, mặc dù ngành Y tế đã có nhiều nỗ lực trong việc đẩy mạnh tư vấn, cung cấp các dịch vụ về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho thanh niên và trẻ vị thành niên nhưng nhận thức của những đối tượng này vẫn rất hạn chế. Ở những vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều thanh niên là người đồng bào dân tộc thiểu số, việc tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản còn gặp nhiều khó khăn.
Từ thực tế đó, tháng 10-2009, Trung ương Hội Kế hoạch hóa gia đình phối hợp với Hội Kế hoạch hóa gia đình tỉnh đã triển khai Dự án Salin về tăng cường dịch vụ thân thiện về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho vị thành niên - thanh niên do Chính phủ Hà Lan tài trợ. Dự án chính thức được thực hiện từ tháng 1-2010 với nhiều hoạt động phong phú. Bác sĩ Lê Mạnh Hùng, Trưởng Ban quản lý Dự án Salin cho biết: “Mục đích của dự án là trang bị cho các em tuổi vị thành niên-thanh niên có sự hiểu biết về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, giúp các em có nhận thức và hành vi đúng mực trong các mối quan hệ bạn bè, có lối sống và tình yêu lành mạnh”.
Tuổi vị thành niên - thanh niên cần được tư vấn SKSS, sức khỏe tình dục. |
Từ lúc triển khai Dự án, Ban quản lý Dự án thuộc Hội Kế hoạch hóa gia đình tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho thanh niên, trẻ vị thành niên tại những vùng đông dân, vùng có nhiều thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số; thành lập Câu lạc bộ Sức khỏe sinh sản vị thành niên-thanh niên gồm 15 thành viên có độ tuổi từ 15-24 tuổi, là sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và hội viên Hội Thanh niên cơ sở. Các thành viên này được tập huấn, trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản về cách tư vấn sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục… để tiếp tục đi tư vấn, cung cấp dịch vụ cho đối tượng vị thành niên-thanh niên. Hoạt động nổi bật nhất của Dự án Salin là tổ chức tư vấn cho học sinh tại các trường THPT. Ban Quản lý Dự án đã chủ động phối hợp với các Đoàn trường tổ chức được 9 buổi nói chuyện chuyên đề về sức khỏe sinh sản cho 12.500 học sinh; cấp phát tờ rơi, tờ bướm; giao lưu, trao đổi trực tiếp, trả lời những thắc mắc của học sinh về các vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản, tình dục an toàn, quan niệm về tình yêu tuổi học trò, phòng tránh nhiễm khuẩn đường sinh sản, HIV/AIDS… Những hoạt động trên không chỉ giúp các em đang tuổi vị thành niên-thanh niên có nhiều hiểu biết về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, hiểu biết về sự thay đổi về tâm lý, sinh lý tuổi mới lớn; giúp các em phòng tránh tảo hôn, biết quan tâm chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình… mà còn tác động tích cực đến thầy cô giáo, phụ huynh trong việc chú trọng hơn đến công tác giáo dục giới tính cho con em mình. Đến nay, đã có 16.400 lượt thanh niên và trẻ vị thành niên được cung cấp các dịch vụ về sức khoẻ sinh sản (tăng 377% so với năm 2009); 12.600 lượt đối tượng được tư vấn, tuyên truyền dịch vụ (tăng 280%); 6.120 khách hàng dưới 24 tuổi được tư vấn qua Tổng đài 1088 (tăng 285%)…
Tuy nhiên, việc triển khai dự án còn gặp một số khó khăn như: cách trở về giao thông khiến một số hoạt động chưa được thực hiện đúng kế hoạch; Trung tâm Tư vấn và cung cấp dịch vụ về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục còn thiếu trang thiết bị nên chưa đáp ứng hết nhu cầu về dịch vụ… Để Dự án tăng cường dịch vụ thân thiện về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho vị thành niên-thanh niên đạt hiệu quả cao hơn, rất cần sự quan tâm, phối hợp của các ngành, các cấp và toàn xã hội.
Võ Văn Thảo
Ý kiến bạn đọc