Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Bông: Tăng cường năng lực cho y tế cơ sở

11:07, 19/06/2011

Xác định rõ y tế cơ sở là nơi đầu tiên người dân tiếp cận khi ốm đau, cũng là nơi phòng, chống và phát hiện sớm các loại dịch bệnh, những năm qua, ngành Y tế huyện Krông Bông đã có sự đầu tư mạnh mẽ cho y tế cơ sở. Sự đầu tư ấy chính là cơ sở vững chắc để mạng lưới y tế nơi đây hoạt động và đáp ứng được nhu cầu của người dân trong vùng…

Trời đã gần trưa, nhưng Trạm y tế (TYT) xã Khuê Ngọc Điền vẫn tấp nập người ra vào, các nhân viên y tế thì làm việc với một cường độ cao nhằm đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Đến lúc người bệnh cuối cùng ra về cũng là khi mặt trời đã đứng bóng. Xong bữa cơm trưa, chẳng kịp nghỉ ngơi, các nhân viên của trạm lại tranh thủ dọn dẹp vệ sinh phòng ốc. Vừa làm việc điều dưỡng Hồ Thị Hoàn vừa trò chuyện: “Nhà cửa được xây mới khang trang thì mình cũng phải dọn dẹp cho sạch sẽ để mỗi khi bà con tìm đến khám chữa bệnh luôn thấy thoải mái như đang ở nhà. Bận rộn một tí nhưng việc bà con đến khám tại trạm mỗi ngày thêm đông nên nhân viên bọn mình cũng thấy vui…”. Là xã nằm cạnh thị trấn Krông Kma và cách Bệnh viện Đa khoa huyện chỉ hơn 1km, song ở TYT Khuê Ngọc Điền ít khi xảy ra tình trạng người dân vượt tuyến lên khám chữa bệnh tại bệnh viện, chỉ những trường hợp bệnh nặng, trạm mới phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên điều trị. Theo điều dưỡng Hoàn, có được kết quả ấy là bởi trong những năm gần đây, trạm đã nhận được sự đầu tư mạnh cả về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị lẫn đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho nhân viên. Từ đó năng lực của trạm được củng cố, trình độ của nhân viên ngày một nâng cao, tạo được sự tin tưởng của người dân khi đến khám chữa bệnh. Đặc biệt, từ khi trạm đạt chuẩn Quốc gia về y tế xã (năm 2009), người dân càng tin tưởng hơn và chọn trạm là nơi để thăm khám mỗi khi đau ốm.

Nhân viên TYT xã Khuê Ngọc Điền khám bệnh cho người dân.
Nhân viên TYT xã Khuê Ngọc Điền khám bệnh cho người dân.
Không chỉ có TYT xã Khuê Ngọc Điền, hầu hết các TYT trên địa bàn huyện Krông Bông đều được đầu tư đúng mức cả về nhân lực và vật lực. Đến thời điểm này đã có 13/14 TYT được xây mới (TYT xã Ea Trul sẽ được khởi công xây dựng trong năm nay), tất cả các trạm đều được trang bị các máy móc thiết bị phù hợp như: máy siêu âm, máy thở, máy điện tim, máy xét nghiệm và nhiều dụng cụ y tế khác… Song song với nhiệm vụ phát triển mạng lưới, chất lượng khám chữa bệnh của tuyến xã cũng được ngành Y tế huyện quan tâm trong suốt thời gian qua. Cùng với sự hỗ trợ của Đề án 1816, hàng năm, Trung tâm y tế huyện đều cử cán bộ y bác sĩ về các TYT xã, nhất là những trạm chưa có bác sĩ vừa để luân phiên KCB cho người dân, vừa cầm tay chỉ việc nhằm nâng cao năng lực y tế tuyến xã. Đồng thời, gửi các cán bộ, y bác sĩ tuyến xã đi đào tạo ở tuyến trên để nâng cao trình độ chuyên môn, cập nhật các kiến thức và kỹ thuật mới của ngành. Qua đó, chất lượng khám chữa bệnh của tuyến xã đã được nâng cao, đáp ứng nhu cầu của người dân trong tình hình mới, đồng thời tạo thuận lợi hơn cho người dân, giúp họ giảm bớt chi phí trong quá trình khám và điều trị bệnh, đặc biệt là giúp giảm tải số lượng bệnh nhân cho cơ sở y tế tuyến trên. Bên cạnh đó, với sự đầu tư mạnh mẽ về trang thiết bị, nhân lực, công tác phòng, chống dịch bệnh cũng như các chương trình mục tiêu y tế Quốc gia đã được các TYT thực hiện đầy đủ, hiệu quả như: hoạt động tuyên truyền phòng, chống sốt xuất huyết, sốt rét, cúm A/H1N1; truyền thông giáo dục sức khỏe về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiến thức phòng chống bệnh truyền nhiễm ở trẻ em; tiến hành cân, đo trẻ và tổ chức trình diễn bữa ăn hợp lý cho các bà mẹ có con dưới 2 tuổi bị suy dinh dưỡng… Nhờ vậy, dịch bệnh trên địa bàn được khống chế, không có dịch lớn xảy ra; công tác phòng chống bệnh lao, bệnh phong được tổ chức giám sát kịp thời, việc quản lý và điều trị bệnh nhân được thực hiện tốt, tỷ lệ bệnh nhân khỏi bệnh tăng cao; hoạt động phun, tẩm hóa chất phòng chống sốt rét được triển khai đều đặn, đúng chu kỳ…; đặc biệt, nhận thức về chăm sóc sức khỏe, vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch, bệnh trong cộng đồng được nâng lên. Trao đổi về sự đầu tư cho y tế cơ sở, bác sĩ Nguyễn Đức Vũ, Phó Giám đốc TTYT huyện Krông Bông cho biết: “Thời gian qua, với sự đầu tư mạnh mẽ, y tế tuyến xã đã có những bước chuyển rõ rệt, củng cố được niềm tin với nhân dân. Điều này được thể hiện rất rõ qua tỷ lệ người dân đến khám chữa bệnh tại các TYT trên địa bàn ngày càng tăng. Theo thống kê của Trung tâm y tế, năm 2010, tỷ lệ người dân đến khám chữa bệnh tại trạm y tế trung bình đạt từ 1,2 - 1,6 lần/ một lượt người/năm. Con số này vượt xa với tỷ lệ quy định trong chuẩn Quốc gia về y tế xã (0,6 lần/một lượt người/năm). Nhằm tăng cường thêm các điều kiện phục vụ công tác chuyên môn ở tuyến cơ sở, trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đầu tư và đầu tư có chủ đích, định hướng để công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu tại các TYT đáp ứng được nhu cầu của nhân dân trong tình hình mới…”.
Có thể thấy, việc tăng cường năng lực cho y tế cơ sở thông qua đầu tư đồng bộ cả về “chất” và “lượng” ở Krông Bông đã và đang tạo đà cho y tế cơ sở hoàn thành chức năng và nhiệm vụ của mình, trở thành điểm tựa vững chắc cho công tác phòng, chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Kim Oanh

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.