Bệnh nhân sốt xuất huyết không nên truyền dịch khi chưa có chỉ định của bác sĩ
Sốt xuất huyết là một trong những căn bệnh xảy ra quanh năm và đạt đỉnh khi mùa mưa đến. Khi mắc bệnh, ngoài những dấu hiệu cảnh báo cần nhập viện, bệnh nhân còn được hướng dẫn chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, trên thực tế, đã có nhiều trường hợp bệnh diễn biến nặng hơn do người bệnh không tuân thủ lời khuyên của chuyên gia y tế. Đặc biệt, có nhiều trường hợp bệnh nhân sốt xuất huyết bị trụy mạch, tràn dịch đa màng, suy thận… chỉ vì tự truyền dịch tại nhà khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Bác sĩ Trần Thị Thúy, khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.Hồ Chí Minh cho biết, với những bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, việc truyền dịch không đúng làm cơ thể bị dư dịch khiến bệnh tiến triển xấu. Nếu may mắn không tử vong cũng làm bệnh phức tạp và kéo dài quá trình điều trị. Bên cạnh đó, còn có một số nguyên nhân khác như cạo gió, chích lể…khi bị sốt xuất huyết, khiến tình trạng chảy máu nhiều hơn; mặc quần áo quá kín làm cơ thể sốt cao hơn; nhịn ăn uống làm cơ thể bị suy dinh dưỡng khiến bệnh càng nặng hơn.
Để đề phòng biến chứng, bệnh nhân sốt xuất huyết cần thực hiện theo đúng phác đồ điều trị bác sĩ đưa ra. Ảnh: K.O |
Còn theo Thạc sĩ Nguyễn Hồng Hà, Viện phó Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới Quốc gia phân tích, bệnh sốt xuất huyết thường kéo dài 7 – 10 ngày và chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu, khi bệnh nhân đang sốt cao, người mệt mỏi, nếu truyền dịch sẽ rất dễ bị sốc, lên cơn co giật. Giai đoạn hai, bệnh nhân sẽ xuất hiện nhiều triệu chứng nguy hiểm như tụt huyết áp, đau bụng, chảy máu bất thường, tràn dịch màng phổi… Đây là giai đoạn tăng thấm, rất dễ bị thoát dịch qua màng bụng nên phải truyền dịch với tốc độ nhanh hơn tốc độ thấm ra ngoài của cơ thể, nhưng phải theo chỉ định và được bác sĩ theo dõi chặt chẽ. Giai đoạn cuối là phục hồi, sẽ diễn ra quá trình tái hấp thu dịch. Việc truyền dịch trong giai đoạn này sẽ dẫn tới thừa dịch, gây biến chứng phù phổi.
Chính vì thế, các bác sĩ khuyến cáo, người bệnh tuyệt đối không được tự ý truyền dịch tại nhà và chỉ truyền dịch theo chỉ định của bác sĩ đối với các trường hợp nôn, không thể ăn uống. Đồng thời, cần báo ngay cho bác sĩ để cấp cứu khi thấy xuất hiện các dấu hiệu của tiền sốc do truyền dịch như da nổi vân tím, đầu, chi lạnh khi nhiệt độ cơ thể vẫn cao, tụt huyết áp, người bệnh rơi vào trạng thái lơ mơ, sốt li bì hoặc vật vã, kích thích. Đặc biệt, bệnh nhân sốt xuất huyết tuyệt đối không được truyền dung dịch đạm, pha vitamin vì như thế rất dễ dẫn tới sốc. Tốt nhất chỉ truyền dung dịch nước muối sinh lý. Giải pháp bù nước cho bệnh nhân sốt xuất huyết hiệu quả và an toàn nhất là tăng cường chế độ dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả, uống nhiều nước và nghỉ ngơi hợp lý.
K.O (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc