Bộ Y tế ban hành hướng dẫn mới về chẩn đoán, điều trị bệnh tay chân miệng
16:23, 20/07/2011
Trước tình hình diễn biến của bệnh tay chân miệng, ngày 19-7 Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh năm 2011, thay thế phác đồ trước đó ban hành năm 2008. Theo hướng dẫn mới, hội chứng tay chân miệng được phân loại lâm sàng theo bốn cấp độ từ nhẹ tới nặng.
Biểu hiện lâm sàng độ 1 với triệu chứng chủ yếu là loét miệng và/hoặc tổn thương da sẽ được điều trị ngoại trú và theo dõi tại y tế cơ sở. Bệnh nhân được tái khám mỗi 1-2 ngày trong 8-10 ngày đầu của bệnh. Trẻ có sốt phải tái khám mỗi ngày đến khi hết sốt ít nhất 48 giờ.
Tuy nhiên, trẻ sẽ phải tái khám lập tức nếu có dấu hiệu từ độ 2a trở lên như: sốt cao từ 39 độ C trở lên, thở nhanh, khó thở, giật mình (dưới 2 lần/30 phút), lừ đừ, run chi, quấy khóc, bứt rứt khó ngủ, nôn nhiều, đi loạng choạng, da nổi vân tím, vã mồ hôi, tay chân lạnh... Bệnh nhân từ độ 2a trở lên sẽ được chuyển điều trị nội trú tại bệnh viện.
Bệnh thuộc độ 2b khi 30 phút trẻ giật mình trên 2 lần, mạch nhanh trên 150 lần/phút (khi trẻ nằm yên, không sốt), sốt cao từ 39 độ C trở lên không đáp ứng với thuốc hạ sốt hoặc với bệnh nhân bị run chi, run người, ngồi không vững, đi loạng choạng, rung giật nhãn cầu, lác mắt, yếu chi/liệt chi, liệt thần kinh sọ (nuốt sặc, thay đổi giọng nói...). Khi chuyển độ 2b, bệnh nhân nên nằm đầu cao 30 độ, thở oxy qua mũi 3-6 lít/phút, được theo dõi mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở, kiểu thở... đồng thời sử dụng các nhóm thuốc Phenobarbital, Immunoglobulin theo chỉ định của thầy thuốc.
Độ 3 của bệnh được xác định khi mạch nhanh hơn 170 lần/phút (một số trường hợp có thể mạch chậm - dấu hiệu rất nặng), vã mồ hôi, lạnh toàn thân hoặc khu trú, có cơn ngưng thở, thở bụng, thở nông, rút lõm ngực, khò khè, thở rít thanh quản. Với bệnh độ 3, bệnh nhân buộc phải chuyển sang điều trị nội trú tại đơn vị hồi sức tích cực, đặt nội khí quản giúp thở sớm khi thất bại với thở oxy.
Hội chứng tay chân miệng sẽ chuyển sang
độ 4 - mức nặng nhất của phân độ lâm sàng - khi bệnh nhân bị sốc, phù phổi cấp, tím tái, ngưng thở, thở nấc. Trường hợp này sẽ tiếp tục điều trị tại các đơn vị hồi sức tích cực.
Theo Bộ Y tế, hiện chưa có vắc xin phòng bệnh đặc hiệu nên biện pháp phòng bệnh được áp dụng là cách thức phòng ngừa chung đối với bệnh lây qua đường tiêu hóa, đặc biệt tránh tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây. Trẻ bị bệnh buộc phải cách ly tại nhà, không đến nhà trẻ, trường học, nơi các trẻ chơi tập trung trong 10-14 ngày đầu của bệnh.
(
Theo
Tuổi trẻ)
Ý kiến bạn đọc