Multimedia Đọc Báo in

Bệnh tối loạn tâm thần ở trẻ em: Nguyên nhân và cách phòng tránh

22:20, 26/08/2011

Theo Hiệp hội Phẫu thuật đa khoa Mỹ (ASG), mỗi năm tại quốc gia này có khoảng 20% ​​trẻ em mắc bệnh tâm thần được chẩn đoán và gần 5 triệu trẻ em độ tuổi thiếu niên mắc bệnh tâm thần nghiêm trọng cần phải can thiệp hàng ngày.

 Những loại bệnh tâm thần thường gặp ở trẻ em
- Rối loạn lo âu: Trẻ mắc phải căn bệnh này thường có phản ứng với một số tình tình huống nhất định kèm theo sự sợ hãi, lo lắng (căng thẳng), tim đập nhanh, vã mồ hôi.
- Rối loạn gia tăng hành vi: Trẻ mắc chứng rối loạn này có xu hướng coi thường các quy tắc và thường xuyên gây rối, đặc biệt là ở trường học.
- Rối loạn phát triển lan tỏa: Trẻ bị bệnh thường hay lộn xộn trong suy nghĩ và gặp khó khăn trong nhận thức, hiểu biết về thế giới xung quanh.
- Rối loạn ăn uống: Rối loạn ăn uống là dạng bệnh tâm thần liên quan đến cảm xúc và thái độ, cũng như các hành vi bất thường khác liên quan đến ăn uống.
- Rối loạn bài tiết: Thường gây ảnh hưởng đến tiểu tiện và đại tiện, đặc biệt, làm cho trẻ đi tiểu lắt nhắt nhiều lần.
- Rối loạn học tập và giao tiếp: Trẻ có những rối loạn kiểu này thường khó khăn trong việc lưu trữ và xử lý thông tin, cũng như những vấn đề liên quan suy nghĩ và ý tưởng.
- Rối loạn khí sắc (cảm xúc): Trẻ bị bệnh hay có cảm giác buồn rầu dai dẳng hoặc thay đổi tâm trạng một cách đột ngột.
- Tâm thần phân liệt: Đây là một dạng rối loạn nghiêm trọng liên quan đến nhận thức và suy nghĩ méo mó.
- Rối loạn máy giật (Tic disorders): Khi lâm bệnh trẻ có các hành vi hay phát ngôn mang tính đột ngột, mang tính lặp đi lặp lại, không tự nguyện và vô nghĩa.

Các triệu chứng chính: 
- Lạm dụng chất gây nghiện như ma túy, rượu bia và  thuốc lá
- Không có khả năng xử lý, đối phó với các hoạt động hàng ngày. Thay đổi thói quen ăn ngủ 
- Thường hay kêu ca về tình trạng sức khỏe thể chất
- Không chấp hành quy định chung của cộng đồng, tổ chức hay trường lớp. Hay bỏ học, trộm cắp hoặc làm hư  hỏng tài sản 
- Lo sợ bị tăng cân
- Tâm trạng tiêu cực thường kéo dài, kèm theo chán ăn và hay nghĩ đến cái chết
- Thường xuyên tỏ thái độ giận dữ
- Kết quả học tập kém, không nỗ lực phấn đấu trong học tập và rèn luyện
- Không quan tâm đến bạn bè và các hoạt động mà khi khỏe mạnh vẫn  quan tâm
- Rất thích ngồi trầm ngâm suy nghĩ một mình và  lo lắng quá mức, hiếu động thái quá
- Thường xuyên có những cơn mơ ác mộng hoặc nỗi sợ về ban đêm
- Thường xuyên thể hiện hành bi bất cần đời và hung hãn, có những cơn giận dữ nóng nảy vô cớ,  thường xuất hiện ảo giác trong đầu (nghe thấy tiếng nói vô hình hay những hành động xui khiến ảo giác).

Nguyên nhân gây bệnh tâm thần?

 

Mặc dù đã có rất nhiều nghiên cứu được thực hiện, song khoa học vẫn chưa hiểu cặn kẽ về căn bệnh này nên kết quả điều trị còn hạn chế, người ta mới chỉ tình nghi đến một số yếu tố gây bệnh tiêu biểu dưới đây:

- Yếu tố di truyền: Bệnh tâm thần có xu hướng tồn tại trong gia đình, truyền từ cha mẹ sang con cái hoặc nhảy cò giữa các thế hệ.

- Yếu tố sinh học: Rối loạn tâm thần có liên quan đến các hóa chất đặc biệt có trong não được gọi là chất truyền dẫn thần kinh. Các chất truyền dẫn  này giúp cho tế bào thần kinh của  não giao tiếp với nhau. Nếu các hóa chất này mất cân bằng hoặc không hoạt động đúng chức năng thì não sẽ không làm việc được và dẫn đến mắc bệnh. Ngoài ra, khuyết tật hoặc chấn thương một số vùng não bộ cũng có thể dẫn đến mắc bệnh.

- Do chấn thương tâm lý: Một số dạng bệnh tâm thần có thể được tạo bởi chấn thương tâm lý, chẳng hạn như bị lạm dụng tình dục, lạm dụng thể chất,  trải qua mất mát quá lớn như cha mẹ, người thân qua đời đột ngột ...

- Tổn thương thực thể xảy ra trong thời gian khi còn trong bụng mẹ, khi sinh hoặc bệnh tật sau sinh.

- Môi trường căng thẳng: Các sự kiện gây căng thẳng hoặc chấn thương cũng là tác nhân làm gia tăng bệnh tâm thần, nhất là nhóm người có rủi ro mắc bệnh cao.

Bệnh tâm thần ở trẻ em chẩn đoán như thế nào?

Bệnh tâm thần ở trẻ em được chẩn đoán dựa trên các dấu hiệu và triệu chứng như sự nhút nhát, lo lắng (căng thẳng) quá mức, xuất hiện thói quen lạ về ăn uống hay sinh hoạt, hay cáu giận vô cớ.... Hành vi trở thành triệu chứng khi chúng xảy ra thường xuyên, dài kỳ làm giảm chất lượng cuộc sống của chính đứa trẻ và của gia đình. Khi xuất hiện các triệu chứng này, bác sĩ sẽ có thể xem xét đến tiền sử bệnh tật gia đình và kiểm tra sức khỏe thể chất, làm  các xét nghiệm như X-quang, xét nghiệm máu..., để tìm ra nguyên nhân. Nếu không có bệnh lý có thể đưa trẻ đến các trung tâm tư vấn để đánh giá cụ thể mức độ rối loạn. Các chuyên gia tâm thần thường dựa vào các thông tin của cha mẹ, giáo viên hay những người thường xuyên tiếp xúc, chăm sóc trẻ nhằm tìm hiểu các triệu chứng của bệnh.

Cách điều trị và phòng tránh

Giống như những căn bệnh khác, bệnh rối loạn tâm thần cần phải điều trị theo đúng phác đồ và phải điều trị liên tục. Đến nay, nhiều dạng bệnh tâm thần đã được điều trị hiệu quả bằng thuốc, gồm nhóm thuốc chống loạn thần, thuốc chống trầm cảm, thuốc chống lo âu và thuốc ổn định tâm trạng. Ngoài thuốc có thể dùng liệu pháp tâm lý trị liệu (tư vấn), liệu pháp trị liệu sáng tạo, trọng tâm đến cách dùng nghệ thuật hoặc trò chơi để điều trị, đặc biệt có tác dụng đối với nhóm trẻ nhỏ.

Ngoài áp dụng các liệu pháp nói trên và nhằm giảm thiểu  nguy cơ mắc bệnh, các bậc cha mẹ nên chủ động tạo ra không khí gia đình đầm ấm, hòa thuận, mọi người yêu thương quý trọng nhau, cha mẹ là tấm gương nhằm giúp trẻ tự khẳng định và bảo vệ mình, tăng sức đề kháng trước những nguy cơ gây bệnh. Không nên áp dụng chế độ giáo dục hà khắc, xúc phạm hay dùng các biện pháp nặng nề với con  trẻ. Những hành vi thô bạo sẽ để lại vết hằn trong tâm trí, ngăn chặn sự phát triển bình thường của trẻ. Nên chấp nhận thực tế , không nên định kiến hoặc quá kỳ vọng vào con cái để đến khi thất bại dễ nản chí, làm trẻ mất tính tự chủ và dẫn đến hành động tiêu cực. Tạo môi trường sống và học tập thân thiện, không có áp lực quá lớn và cuối  cùng, nếu chẳng may con cái mắc bệnh cũng phải chấp nhận "sống chung", làm hết sức mình để tạo ra cuộc sống tốt hơn cho trẻ.

Khắc Nam (Theo WMD-8/2011)

 

 

 

         

 

 

 

 


Ý kiến bạn đọc