Multimedia Đọc Báo in

Phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con

05:35, 03/08/2011

Hiện nay, lây truyền HIV từ mẹ sang con là nguyên nhân phổ biến nhất gây nhiễm HIV cho trẻ em dưới 15 tuổi (99% số trẻ nhiễm HIV từ nguyên nhân này). Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cứ 100 bà mẹ mang thai nhiễm HIV nếu không được can thiệp sẽ có khoảng 9 trẻ bị nhiễm HIV từ mẹ sang con trong giai đoạn mang thai, 17 trẻ bị lây nhiễm HIV trong giai đoạn chuyển dạ, đẻ và 10 trẻ bị nhiễm HIV trong giai đoạn bú mẹ. Tỷ lệ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con nếu không được can thiệp khoảng 25-40%. Nguy cơ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con có thể xảy ra trong tất cả các giai đoạn của thai kỳ:

1. Khi mang thai:
Sự lây truyền HIV trong giai đoạn này có thể xảy ra sớm khi thai nhi mới được 8 tuần tuổi và có thể kéo dài trong suốt thai kỳ. HIV có thể truyền từ máu mẹ sang thai nhi qua bánh nhau. Bình thường, bề mặt bánh nhau có cấu tạo gồm nhiều màng ngăn có chức năng như các hàng rào bảo vệ, chỉ cho các chất dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất, kháng thể...của mẹ đi qua để nuôi dưỡng bào thai, chứ không cho vi khuẩn, virut... đi qua gây hại cho thai nhi. Khi bánh nhau có vấn đề như bị nhiễm khuẩn làm tổn hại đến vách ngăn này hoặc bề dày của bánh nhau mỏng đi vào nửa sau thai kỳ,  HIV dễ dàng di chuyển vào thai nhi. Tỷ lệ lây truyền HIV qua bánh nhau khoảng 6-10%, tuy nhiên tỷ lệ này có thể tăng lên khi tuổi mẹ tăng; mẹ nhiễm HIV khi đã mang thai hay mẹ nhiễm HIV/AIDS giai đoạn cuối.

2. Khi chuyển dạ và đẻ:
Trong quá trình chuyển dạ đẻ, các cơn co bóp tử cung, các can thiệp sản khoa như cắt tầng sinh môn, phooc-xep, xoay thai…. làm tổn thương các mạch máu  gây chảy nhiều máu vào âm đạo, làm tăng số lượng HIV trong âm đạo dẫn đến tăng nguy cơ lây nhiễm HIV khi thai đi qua âm đạo người mẹ.

Khoảng 13-20% trẻ lây nhiễm HIV trong giai đoạn này, nguy cơ lây nhiễm HIV có thể tăng lên trong trường hợp đẻ khó, chuyển dạ kéo dài; phần mềm của mẹ dập nát, chảy máu nhiều, thai bị trầy xước, sang chấn; vỡ ối sớm, thời gian vỡ ối càng dài thì nguy cơ lây nhiễm HIV càng tăng.

Các chuyên gia khuyến cáo phụ nữ mang thai nhiễm HIV nên chọn sinh con bằng phương thức mổ đẻ ngay khi có dấu hiệu chuyển dạ, sẽ giảm 50 % nguy cơ lây nhiễm HIV cho con so với các biện pháp sinh con khác. Nếu mổ đẻ được kết hợp với dùng thuốc kháng vi rút (ARV) trong thời kỳ trước sinh, lúc chuyển dạ và sau khi sinh con sẽ làm giảm đến 87% nguy cơ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con.

3. Khi cho con bú:
Khi trẻ bú mẹ, HIV từ sữa sẽ xâm nhập qua niêm mạc miệng, lưỡi, lợi làm lây nhiễm HIV cho trẻ, nhất là trong trường hợp trẻ có viêm nhiễm trong khoang miệng. Hay khi vú mẹ bị viêm nhiễm, xây xước chảy máu thì HIV theo máu xâm nhập vào khoang miệng gây nhiễm HIV cho trẻ.

Tỷ lệ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con qua bú mẹ khoảng 6-10%, nguy cơ này tăng lên khi mẹ nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS, mẹ mới nhiễm HIV sau khi mang thai, mẹ nhiễm HIV vào thời kỳ cho con bú. Thời gian cho con bú càng dài thì nguy cơ lây nhiễm HIV càng cao. Nuôi trẻ hỗn hợp tức là vừa cho trẻ bú mẹ, vừa cho ăn  dặm thêm thì nguy cơ lây nhiễm HIV từ mẹ sẽ cao hơn nếu chỉ cho trẻ bú mẹ hoàn toàn, vì khi cho trẻ ăn dặm thêm, các thức ăn thay thế có thể là nguyên nhân gây tiêu chảy làm tổn thương niêm mạc ruột, làm cho vi rút HIV từ sữa mẹ dễ xâm nhập vào cơ thể trẻ.

Do vậy, các bà mẹ nhiễm HIV lựa chọn một trong hai hình thức nuôi con: nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong những tháng đầu và ngừng cho bú càng sớm càng tốt khi đủ điều kiện cho trẻ ăn thức ăn bổ sung, muộn nhất là khi trẻ đủ 6 tháng tuổi, hoặc nuôi con hoàn toàn bằng thức ăn thay thế nếu gia đình có đủ điều kiện.

Để giảm số trẻ sinh ra bị lây truyền HIV từ mẹ, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, đặc biệt là phụ nữ mang thai có nguy cơ cao hãy đến các cơ sở y tế để được tư vấn và xét nghiệm HIV. Nếu bị nhiễm HIV, phụ nữ mang thai cần được theo dõi, chăm sóc và điều trị tại các phòng khám ngoại trú điều trị HIV/AIDS và các cơ sở sản khoa nhằm giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con.          

Bs. Đào Thị Hảo
(Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh)

 


Ý kiến bạn đọc