Multimedia Đọc Báo in

Thông tư 23 của Bộ Y tế về hướng dẫn sử dụng thuốc trong cơ sở y tế có giường bệnh: Nâng cao trách nhiệm của người thầy thuốc

07:37, 22/08/2011

Thông tư 23 của Bộ Y tế được coi là “liều thuốc mạnh” để chấn chỉnh lại việc kê toa thuốc một cách bừa bãi trong các cơ sở y tế, đồng thời  nâng cao trách nhiệm của người thầy thuốc trước người bệnh…

Lâu nay tình trạng kê đơn thuốc kiểu “chữ bác sĩ”, tên thuốc không rõ ràng, viết ký hiệu, không ghi hàm lượng thuốc và không hướng dẫn cặn kẽ cách sử dụng thuốc cho người bệnh… diễn ra khá phổ biến ở các cơ sở y tế. Chuyện người bệnh cầm toa thuốc với những tên thuốc được viết ngoằn ngoèo, cẩu thả đi hết nhà thuốc này đến nhà thuốc khác mà nhân viên nhà thuốc không thể đọc chính xác tên thuốc cũng không phải là hiếm thấy.Và hậu quả là nhân viên nào đọc ra tên thuốc gì thì bán thuốc nấy, còn người bệnh chỉ biết nhận, trả tiền và mang về uống, nhưng đúng thuốc hay không thì… chỉ có bác sĩ kê đơn mới biết. Trên thực tế, hiện nay toàn tỉnh có gần 20 bệnh viện đa khoa và chuyên khoa cùng hàng trăm phòng khám đa khoa, chuyên khoa tư nhân, song chỉ có số ít bệnh viện và những phòng khám tư nhân có quy mô là thực hiện kê toa thuốc bằng vi tính, còn lại vẫn kê bằng viết tay. Theo đó hậu quả của những toa thuốc viết bằng tay ngoằn ngoèo là những trường hợp uống thuốc không đúng gây sốc phản vệ, uống nhầm thuốc không đạt hiệu quả điều trị…

Bác sĩ đang chăm sóc, điều trị bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Dak Lak.
Bác sĩ đang chăm sóc, điều trị bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Dak Lak.
Để giải quyết tình trạng nói trên, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 23/2011/TT-BYT về hướng dẫn sử dụng thuốc trong các cơ sở y tế có giường bệnh với những quy định chặt chẽ, khẳng định rõ trách nhiệm của thầy thuốc trong việc kê đơn và hướng dẫn sử dụng thuốc đối với người bệnh. Kể từ ngày 25-7 (thời điểm Thông tư chính thức có hiệu lực), khi khám bệnh, thầy thuốc phải khai thác tiền sử dùng thuốc, tiền sử dị ứng, liệt kê các thuốc người bệnh đã dùng trước khi nhập viện trong vòng 24 giờ và ghi diễn biến lâm sàng của người bệnh vào hồ sơ bệnh án để chỉ định sử dụng thuốc hoặc ngừng sử dụng thuốc. Điều đáng nói, so với trước đây, chỉ định dùng thuốc chỉ đơn giản là tên thuốc và liều uống, thì nay, chỉ định dùng thuốc theo Thông tư 23 phải ghi đầy đủ, rõ ràng tên thuốc, nồng độ (hàm lượng), liều dùng một lần, số lần dùng thuốc trong 24 giờ, khoảng cách giữa các lần dùng thuốc, thời điểm dùng thuốc, đường dùng thuốc và những chú ý đặc biệt khi dùng thuốc vào đơn thuốc, hồ sơ bệnh án, đồng thời, không được viết tắt tên thuốc và không ghi ký hiệu. Trường hợp sửa chữa bất kỳ nội dung nào, thầy thuốc phải ký xác nhận bên cạnh. Một trong những nội dung quan trọng nữa Thông tư 23 yêu cầu là thầy thuốc phải theo dõi, thông báo tác dụng của thuốc cho điều dưỡng chăm sóc và người bệnh (hoặc gia đình người bệnh); theo dõi đáp ứng của người bệnh khi dùng thuốc và xử lý kịp thời các tai biến do dùng thuốc. Ngoài ra, Thông tư 23 cũng yêu cầu, trong trường hợp người bệnh cấp cứu, thầy thuốc phải thực hiện chỉ định thuốc theo diễn biến của bệnh. Nếu người bệnh cần theo dõi để lựa chọn thuốc hoặc lựa chọn liều thích hợp, thầy thuốc phải chỉ định thuốc hằng ngày, còn nếu người bệnh đã được lựa chọn thuốc và liều thích hợp, thời gian chỉ định thuốc tối đa không quá 2 ngày (đối với ngày làm việc) và không quá 3 ngày (đối với ngày nghỉ)…

Với những quy định chi tiết, chặt chẽ, Thông tư 23 của Bộ Y tế được xem là “liều thuốc mạnh” để chấn chỉnh tình trạng kê toa thuốc thiếu cân nhắc, cẩu thả, qua đó nâng cao trách nhiệm của người thầy thuốc trong chăm sóc, điều trị người bệnh. Theo bác sĩ Nguyễn Phi Tiến, Giám đốc Sở Y tế, Thông tư 23 chỉ ra một số yêu cầu đối với dược sĩ, bác sĩ, điều dưỡng, những người ra quy định dùng thuốc trong việc kê đơn, hướng dẫn người bệnh sử dụng thuốc. Song với người bệnh, thông tư cũng yêu cầu người bệnh phải tuân thủ điều trị, không tự ý bỏ thuốc hoặc tự ý dùng thuốc không đúng chỉ định của thầy thuốc. Qua đó cho thấy, những yêu cầu chặt chẽ này đều tập trung vào việc nâng cao hiệu quả điều trị trong khám chữa bệnh, tránh được lỗ hổng trong hệ thống điều trị là thầy thuốc kê toa xong coi như hết trách nhiệm, ít theo dõi phản ứng của thuốc, còn người bệnh chỉ biết nhận thuốc uống là xong, không quan tâm đến việc thuốc uống có hiệu quả hay không. Tuy nhiên, cũng theo bác sĩ Nguyễn Phi Tiến, việc triển khai Thông tư 23 trên thực tế sẽ gặp một số vướng mắc. Đó là tình trạng quá tải trong các bệnh viện hiện nay diễn ra khá nhiều, khiến thời gian khám bệnh của thầy thuốc trên mỗi người bệnh bị rút ngắn, do đó việc tìm hiểu tiền sử bệnh, tiền sử dùng thuốc, tiền sử dị ứng của người bệnh cũng như việc tư vấn và kê toa thuốc đầy đủ sẽ khó thực hiện được một cách triệt để.  Hơn nữa, vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực (bác sĩ, dược sĩ…), thói quen tự ý mua thuốc về uống khi có bệnh của người dân… cũng là những khó khăn đối với việc triển khai Thông tư này.

Có thể thấy, Thông tư 23 được ban hành là biện pháp nhằm kết thúc tình trạng kê đơn thuốc một cách bừa bãi, cẩu thả trong các cơ sở  y tế suốt thời gian qua. Tuy nhiên, để thông tư này được hiện thực hóa, việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về mô hình mới trong chăm sóc, điều trị cho cả cán bộ y tế lẫn người dân là việc làm tiên quyết, cần thiết nhất.

Kim Oanh

Ý kiến bạn đọc