Multimedia Đọc Báo in

Tiếp tục đẩy mạnh xử lý vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm

16:43, 10/08/2011

Đây là yêu cầu được Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, đồng thời là Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về công tác ATVSTP đưa ra đối với các ngành chức năng tại cuộc họp giao ban thường kỳ về những vấn đề liên quan trong lĩnh vực này diễn ra chiều 9-8.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao việc chuẩn bị các văn bản pháp luật, hành lang pháp lý về ATVSTP của cơ quan chức năng. Bên cạnh đó công tác tuyên truyền được triển khai nhanh và có hiệu quả, tạo sự cảnh giác về ATTP trong xã hội.  Phó Thủ tướng đề nghị, trong dịp Tết Trung thu 2011 cần ra thông điệp về ATVSTP nhằm đảm bảo quyền lợi và sức khỏe cho người dân. Bên cạnh đó, cần nâng mức răn đe và tính thực thi pháp luật trong việc xử phạt các vi phạm về ATVSTP trên toàn quốc, công khai rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về những vi phạm của các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp.

Theo Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), 6 tháng đầu năm 2011, toàn quốc đã xảy ra 53 vụ ngộ độc với 1.776 nạn nhân, trong đó có 9 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ 2010, số vụ ngộ độc đã giảm 42 vụ, số tử vong giảm 24 người (giảm 70%). Về nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm qua kiểm tra cho thấy do vi sinh vật (17 vụ), do hóa chất (10 vụ), do độc tố tự nhiên (17 vụ)… Cũng trong thời gian này, Cục ATVSTP đã chỉ đạo các Chi cục liên tục kiểm tra tình hình nhiễm Melamin trong sữa và kết quả là chưa phát hiện chất này có trong sữa bột ở thị trường nước ta.  Ngoài ra, trong Tháng hành động về ATVSTP (từ 15-4 đến 15-5), cơ quan chức năng đã xử lý hành chính 15.636 cơ sở vi phạm (cảnh cáo 11.928 cơ sở, phạt tiền 3.582 cơ sở, chuyển cơ quan chức năng xử lý 126 trường hợp).

GS. Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục ATVSTP cho biết, về chất phụ gia công nghiệp DEHP do các doanh nghiệp Đài Loan đưa vào tiêu thụ trên thị trường Việt Nam đã bị phát hiện và thu hồi (tháng 6-2011). Đây là đợt thu hồi đầu tiên đối với các sản phẩm nguồn gốc nước ngoài có nguy cơ mất an toàn VSTP nhanh gọn và hiệu quả, được xã hội đánh giá cao. Tuy nhiên, vấn đề nổi cộm trong công tác quản lý ATVSTP đó là chế tài xử phạt chưa nghiêm, không đủ mức răn đe, hầu hết ở tuyến huyện, xã chỉ xử lý ở mức nhắc nhở, cảnh cáo. Bên cạnh đó, năng lực kiểm nghiệm về chất lượng ATVSTP ở các địa phương còn yếu, số mẫu được kiểm tra tại các phòng thí nghiệm còn ít,  trả lời chậm, gây ảnh hưởng đến việc ra quyết định xử phạt.

K.O (nguồn chinhphu.vn)

 


Ý kiến bạn đọc