09:44, 09/09/2011
Mặc dù là địa phương có số ca bệnh tay, chân, miệng (TCM) thấp hơn so với các địa phương khác trong tỉnh, nhưng, thời gian qua, Trung tâm Y tế huyện Krông Ana đã tổ chức nhiều hoạt động để chủ động ngăn ngừa bệnh lây lan trong cộng đồng, các trường học trên địa bàn, nhất là khi thời điểm năm học mới 2011-2012 đã bắt đầu…
Trao đổi với bác sĩ Vũ Thị Thành Huế, Trung tâm Y tế huyện Krông Ana được biết: đến hết tháng 8-2011, toàn huyện Krông Ana mới ghi nhận 7 trường hợp mắc bệnh TCM nằm rải rác trên địa bàn 4 xã, thị trấn, gồm: xã Dray Sáp, Ea Na, Ea Bông và thị trấn Buôn Trấp. Tuy số trẻ mắc bệnh chưa nhiều và chưa xảy ra các ổ dịch, song để tránh nguy cơ dịch lây lan rộng trong cộng đồng, thời gian qua, Trung tâm đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống bệnh TCM. Theo chỉ đạo của Sở Y tế, Trung tâm đã tham mưu cho UBND huyện thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống bệnh TCM; đồng thời xây dựng kế hoạch, ra nhiều văn bản chỉ đạo, tổ chức tập huấn, hướng dẫn các trạm y tế xã, thị trấn làm tốt công tác phòng, chống bệnh dịch bệnh. Cùng với đó, Trung tâm còn thành lập tổ phòng, chống dịch bệnh lưu động và phân công cán bộ trực dịch 24/24 giờ để theo dõi tình hình dịch bệnh trên địa bàn nhằm xử lý kịp thời; tổ chức phun CloraminB 2% khử trùng tại các trường học và khu dân cư trên địa bàn.
Xác định bệnh TCM là bệnh dễ lây, do đó việc nâng cao ý thức phòng bệnh cho cộng đồng là việc làm cần thiết, Trung tâm Y tế huyện Krông Ana đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kêu gọi người dân cùng chung tay phòng, chống bệnh thông qua các hoạt động: cấp phát tờ rơi về kiến thức phòng, chống bệnh TCM; truyền thanh thông trực tiếp tại trạm y tế cho các bà mẹ thông qua các buổi khám bệnh, ngày tiêm chủng; tuyên truyền kiến thức phòng, chống bệnh TCM trên Đài truyền thanh huyện và hệ thống loa phát thanh của các xã, thị trấn. Qua đó, giúp người dân nắm bắt được tình hình dịch bệnh tại địa phương cũng như những kiến thức cơ bản để phòng, chống bệnh, từ đó nâng cao ý thức trong phòng bệnh cho trẻ cũng như biết cách xử trí kịp thời khi trẻ mắc bệnh. Trung tâm cũng thường xuyên thực hiện thông tin, giám sát báo cáo bệnh hằng ngày; các trường hợp mắc bệnh đều có cán bộ Trung tâm xuống tận nơi điều tra, giám sát, phun hóa chất khử trùng tại gia đình và môi trường xung quanh.
|
Hướng dẫn trẻ giữ gìn vệ sinh cá nhân, rửa sạch tay để phòng, chống bệnh TCM tại Trường Mầm non Krông Ana. |
Bước vào năm học mới 2011-2012, để chủ động phòng, chống bệnh TCM tại các trường học trên địa bàn, những ngày qua Trung tâm Y tế huyện Krông Ana đã phối hợp chặt chẽ với Phòng Giáo dục huyện triển khai công tác phòng, chống bệnh TCM đến các trường học trên địa bàn. Ông Vũ Văn Tuyển, chuyên viên Phòng Giáo dục huyện Krông Ana cho biết: Sau khi nhận được kế hoạch về phòng, chống bệnh TCM của Sở Giáo dục – Đào tạo và Trung tâm Y tế huyện, Phòng Giáo dục huyện đã triển khai kế hoạch đến tất cả các trường học, đồng thời photo các tài liệu liên quan đến bệnh TCM cũng như các bệnh thường gặp ở nhà trường để các trường có cơ sở tuyên truyền cho phụ huynh và học sinh. Trong các hướng dẫn gửi về trường, Phòng Giáo dục huyện yêu cầu các trường phải bảo đảm công tác vệ sinh trường, lớp, đặc biệt với các trường mầm non phải tăng cường công tác an toàn thực phẩm; bảo đảm vệ sinh khu vực chế biến thực phẩm, bếp ăn; dùng Chloramin B để khử khuẩn sàn nhà, khu vệ sinh; ngâm rửa, vệ sinh đồ dùng dạy học, đồ chơi của trẻ em; đảm bảo chất lượng nước uống; giáo dục cho trẻ ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân, rửa tay trước khi ăn...Ngoài ra, Phòng Giáo dục huyện cũng yêu cầu các nhà trường phối hợp chặt chẽ với các trạm y tế xã, thị trấn thường xuyên kiểm tra, nắm tình hình sức khỏe học sinh; thiết lập kênh thông tin và báo cáo tình hình dịch bệnh về Trung tâm Y tế huyện. Với sự phối hợp giữa 2 ngành Y tế và Giáo dục, công tác phòng, chống bệnh TCM tại các trường học trên địa bàn đã được thực hiện tương đối chặt chẽ và hiệu quả. Cô giáo Lê Thị Kim Hương, Hiệu trưởng Trường Mầm non Krông Ana khẳng định: cán bộ, giáo viên và phụ huynh học sinh của trường đã và đang được thông tin đầy đủ về công tác phòng, chống bệnh TCM. Sau một thời gian nhập học, đến thời điểm này, nhà trường chưa ghi nhận trường hợp trẻ mắc bệnh TCM. Dẫu vậy, trước nguy cơ bệnh TCM có thể bùng phát mạnh trong năm học mới, nhà trường vẫn đẩy mạnh công tác phòng chống bệnh TCM. Theo đó, nhà trường đã phối hợp với các đoàn thể trong và ngoài nhà trường, đặc biệt là với Hội phụ huynh đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh của nhà trường về phòng, chống TCM vào giờ phụ huynh đưa đón con em tới trường; dán các thông tin về bệnh TCM trên bảng tin của nhà trường để phụ huynh theo dõi; thực hiện vệ sinh sạch sẽ từ khâu ăn uống của các cháu đến vệ sinh thân thể. Đồng thời, hướng dẫn các cô giáo nhận biết các dấu hiệu về bệnh TCM, thường xuyên theo dõi trẻ, khi phát hiện trẻ có dấu hiện cảm, sốt kèm theo các triệu chứng khác phải thông báo kịp thời cho nhà trường và phụ huynh để có hướng xử lý tốt nhất.
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc