Multimedia Đọc Báo in

Mới phát hiện được 56% số bệnh nhân mắc lao trong cộng đồng

21:02, 12/09/2011

Theo báo cáo mới nhất của Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới tại Hà Nội, nếu người bị bệnh lao không chữa trị, mỗi năm một người sẽ lây nhiễm cho từ 10 đến 15 người khác. Báo cáo này cũng cho thấy, Việt Nam là nước có gánh nặng bệnh lao cao với mỗi năm có khoảng 180.000 bệnh nhân lao mới được ghi nhận và khoảng 32.000 người tử vong do căn bệnh này.

Theo PGS, TS Đinh Ngọc Sỹ, Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Trung ương, bệnh lao vẫn đang có chiều hướng gia tăng, nhất là ở lứa tuổi từ 15-24 với tỷ lệ mắc lao là 220/100.000 dân. Đáng lưu ý, hiện tại chương trình phòng, chống lao cũng mới chỉ phát hiện được 56% số bệnh nhân lao trong cộng đồng. Do đó, chương trình Chống lao quốc gia giai đoạn 2011-2015 sẽ ưu tiên  phát hiện bệnh nhân lao phổi AFB(+) bằng xét nghiệm soi đờm trực tiếp, đồng thời kết hợp với các kỹ thuật khác (như chụp X quang phổi, nuôi cấy vi khuẩn lao, kỹ thuật sinh học phân tử...); lồng ghép công tác chống lao trong hệ thống y tế chung từ tuyến trung ương tới địa phương với việc áp dụng chiến lược thực hành xử trí tốt bệnh hô hấp, tăng cường chẩn đoán điều trị bệnh lao ở trẻ em...

 

Bệnh nhân lao điều trị tại Bệnh viện Lao và bệnh Phổi Dak Lak. Ảnh: K.O

Thống kê của Chương trình lao quốc gia cho thấy, hoạt động phòng chống lao hiện đã bao phủ 100% dân số cả nước. Mỗi năm Việt Nam phát hiện và điều trị khỏi cho gần 100.000 bệnh nhân lao. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn xếp thứ 12 trong tổng số 22 quốc gia có số bệnh nhân lao nhiều nhất thế giới và thứ 14 trong 27 nước có gánh nặng bệnh lao đa kháng thuốc cao trên toàn cầu. Trước thực tế này, Bộ Y tế xác định năm 2011 là năm đầu tiên trong giai đoạn bản lề chuyển từ “ngăn chặn” sang “thanh toán” bệnh lao, dựa trên cơ sở cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật về chẩn đoán và điều trị. Do vậy, Bộ Y tế đã thông qua Quy hoạch mạng lưới chống lao trên toàn quốc nhằm tăng cường hệ thống chống lao hướng tới mục tiêu đến năm 2015 số bệnh nhân lao chỉ bằng một nửa so với năm 2000, tỷ lệ lao đa kháng thuốc năm 2015 bằng mức năm 2010. Kế hoạch này sẽ đóng vai trò là giai đoạn bản lề để tiến tới mục tiêu năm 2030 sẽ thanh toán bệnh lao ở Việt Nam.

Để đạt được mục tiêu nói trên, ông Đinh Ngọc Sỹ cho rằng, Việt Nam cần thực hiện được 6 mục tiêu chiến lược, đó là: đảm bảo cung cấp và tiếp cận dịch vụ DOTS (điều trị lao ngắn ngày có giám sát) chất lượng cao tại các tuyến của hệ thống y tế; giải quyết vấn đề lao/HIV, lao đa kháng thuốc, lao trong nhà tù và các trại 05-06; góp phần củng cố hệ thống y tế; tăng cường phát hiện sớm, giảm thiểu số bệnh nhân không được báo cáo, đảm bảo các bệnh nhân lao được quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế và hướng dẫn của chương trình chống lao tại các cơ sở y tế tư và các bệnh viện đa khoa; huy động cộng đồng tham gia công tác chống lao; nghiên cứu áp dụng các thành tựu mới về chẩn đoán, điều trị và dự phòng lao, đồng thời tăng cường nghiên cứu giám sát để theo dõi, lượng giá và đánh giá hiệu quả hoạt động của chương trình chống lao.

Được biết, kế hoạch này đã và đang được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Chính phủ, các bộ, ban ngành và tổ chức chính trị xã hội. Hiện tại, với sự hỗ trợ kỹ thuật của chuyên gia Tổ chức Y tế Thế giới, Dự án phòng chống lao đã hoàn thiện bản Kế hoạch chiến lược giai đoạn 2011-2015 với tổng nhu cầu kinh phí hơn 340 tỷ USD; hoàn thiện các bước chuẩn bị để tiếp nhận Dự án Quỹ toàn cầu vòng 9 giai đoạn 2011-2015 với tổng kinh phí gần 57 triệu USD. Các chuyên gia y tế trong nước và quốc tế nhấn mạnh, Việt Nam đã có mạng lưới chống lao đủ mạnh, cùng với việc mở rộng các quan hệ đối tác trong và ngoài ngành y tế, trong nước và quốc tế sẽ là tiền đề quan trọng để thực hiện thành công kế hoạch này

K.O (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc