Sáng kiến Bệnh viện bạn hữu trẻ em: Bước tiến mới trong nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ em
Sáng kiến Bệnh viện bạn hữu trẻ em (BFHI) là một phong trào do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) khởi xướng nhằm giúp mọi trẻ em được sinh ra có sự khởi đầu tốt đẹp nhất, có môi trường chăm sóc sức khỏe tốt. Kể từ năm 1992, Việt Nam đã hưởng ứng và thực hiện BFHI để khuyến khích các cơ sở sản khoa và nhi khoa tăng cường hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ. Mô hình này đang đưa lại những bước tiến mới trong nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ em - Bác sĩ PHẠM THỊ THU HƯƠNG, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ sức khỏe bà mẹ trẻ em tỉnh chia sẻ.
* Bác sĩ có thể cung cấp một số thông tin cơ bản về sáng kiến “Bệnh viện bạn hữu trẻ em”?
- BFHI là một chiến lược toàn cầu đầu tiên được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) khởi xướng về nuôi dưỡng trẻ nhỏ dựa trên chương trình có sẵn nhằm giúp mọi trẻ em được sinh ra có một khởi đầu tốt đẹp, có môi trường chăm sóc sức khỏe tốt và nuôi con bằng sữa mẹ được coi là chuẩn mực. Chiến lược toàn cầu về nuôi dưỡng trẻ nhỏ nhằm làm sống lại những nỗ lực thúc đẩy, bảo vệ và hỗ trợ việc nuôi dưỡng trẻ nhỏ phù hợp, từ đó giải quyết các nhu cầu của trẻ, gồm cả những trẻ sống trong điều kiện đặc biệt khó khăn như: trẻ có mẹ bị nhiễm HIV, trẻ nhẹ cân và trẻ trong tình trạng cấp cứu. Với mục đích là “cải thiện thông qua nuôi dưỡng phù hợp – tình trạng dinh dưỡng, tăng trưởng, phát triển, sức khỏe và sự sống còn của trẻ nhỏ”, chiến lược này khẳng định lại tính liên quan và tính cấp bách của việc đổi mới các bệnh viện và cơ sở hộ sinh thông qua việc triển khai “10 bước nuôi con bằng sữa mẹ thành công”; đồng thời chấm dứt tình trạng phân phát các vật phẩm miễn phí và giá rẻ thuộc các sản phẩm thay thế sữa mẹ ở các phòng hộ sinh và bệnh viện. Vì lẽ đó, chiến lược đã đề ra 5 chỉ tiêu chính để kêu gọi các chính phủ xây dựng và triển khai, theo dõi và đánh giá chính sách toàn diện về nuôi dưỡng trẻ nhỏ; bảo đảm ngành y tế và các ngành liên quan khác bảo vệ, thúc đẩy và hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục cho con bú tới khi trẻ được 2 tuổi hoặc lâu hơn, và hỗ trợ bà mẹ khi cần thiết; thúc đẩy tuyên truyền việc cho trẻ ăn thức ăn bổ sung an toàn, đúng thời điểm và hợp lý nhưng vẫn tiếp tục cho con bú sữa mẹ; cung cấp hướng dẫn về nuôi dưỡng trẻ nhỏ và trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; cần có văn bản pháp lý hoặc các biện pháp phù hợp khác để tăng hiệu lực của các nguyên tắc và mục đích của luật quốc tế về kinh doanh các sản phẩm thay thế sữa mẹ… BFHI giữ vai trò quan trọng trong chiến lược toàn cầu để phát triển dinh dưỡng và sức khỏe trẻ em thông qua việc tối ưu hóa vấn đề dinh dưỡng, từ đó góp phần làm giảm tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Bên cạnh đó BFHI còn hỗ trợ dinh dưỡng cho phụ nữ có thai và đưa ra hỗ trợ về cộng đồng và xã hội.
* Để được công nhận là Bệnh viện bạn hữu trẻ em, các bệnh viện cũng như cơ sở y tế phải đạt những tiêu chí nào, thưa bác sĩ?
- Để được công nhận là Bệnh viện bạn hữu trẻ em, các bệnh viện cũng như cơ sở y tế phải đạt được tiêu chí “10 bước nuôi con bằng sữa mẹ thành công” theo tiêu chuẩn của tổ chức WHO và UNICEF. 10 bước nuôi con bằng sữa mẹ thành công, bao gồm: có chính sách về nuôi con bằng sữa mẹ được truyền đạt thường xuyên tới tất cả nhân viên y tế; tập huấn cho tất cả các nhân viên của cơ sở y tế về các kỹ năng cần thiết để triển khai chính sách này; thông báo cho tất cả phụ nữ có thai biết về lợi ích của nuôi con bằng sữa mẹ; giúp các bà mẹ bắt đầu cho con bú trong vòng ½ giờ đầu sau sinh; chỉ cho các bà mẹ cách cho trẻ bú và duy trì việc bú mẹ ngay cả trong trường hợp mẹ và con bị chia tách; không cho trẻ mới sinh ăn bất kỳ thức ăn hoặc nước uống nào khác ngoài sữa mẹ, ngoại trừ thuốc chỉ định; thực hiện việc mẹ con ở cùng phòng và duy trì mẹ gần con trong suốt 24 giờ/ngày; khuyến khích các bà mẹ cho trẻ bú mẹ theo nhu cầu; không cho trẻ ăn bằng bình, chai, núm vú giả hoặc cho trẻ ngậm núm vú giả; tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập các nhóm hỗ trợ bà mẹ thực hành nuôi con bằng sữa mẹ khi bà mẹ được xuất viện hoặc rời cơ sở y tế.
Chăm sóc trẻ sơ sinh tại khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. |
* Hiện nay, Dak Lak đã có cơ sở nào được công nhận là Bệnh viện bạn hữu trẻ em và lộ trình trong thời gian tới sẽ như thế nào, thưa bác sĩ?
- Đến thời điểm này, tỉnh ta chưa có bệnh viện nào đạt được tiêu chuẩn của BFHI. Trong thời gian tới, chúng tôi đang có kế hoạch xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa Krông Bông và Bệnh viện Đa khoa Lak trở thành BFHI. Theo lộ trình đã đề ra, từ nay đến năm 2015 sẽ có khoảng ¼ số bệnh viện trên địa bàn đạt các tiêu chí của BFHI. Tuy nhiên, để thực hiện được lộ trình này, vấn đề đặt ra là phải xây dựng được đội ngũ nhân lực có trình độ và thay đổi thái độ hành vi của cộng đồng về nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ. Hiện nay, rào cản ảnh hưởng đến việc nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ dễ thấy nhất đó là các bà mẹ vẫn bị ảnh hưởng bởi quan niệm phải cho trẻ ăn bột sớm thì mới cứng cáp, thậm chí nhiều bà mẹ lo ngại không đủ sữa để có thể nuôi dưỡng và cho con bú đến 6 tháng tuổi nên cho trẻ ăn bổ sung thêm bằng các loại sữa bột và các thức ăn khác khi trẻ mới 3- 4 tháng tuổi. Chính vì vậy, ngay khi bắt đầu triển khai xây dựng mô hình BFHI tại địa phương, chúng tôi đã tổ chức các đợt tập huấn, đào tạo nhân lực cho các đơn vị triển khai thí điểm mô hình để các cán bộ, y bác sĩ nắm bắt được nội dung, mục đích và các việc cần làm đối với BFHI. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông trong các cơ sở y tế cung cấp các kiến thức để nâng cao nhận thức cho các bà mẹ từ đó giúp họ thay đổi thái độ, hành vi và thực hiện tốt 10 bước nuôi con bằng sữa mẹ thành công.
* Xin cảm ơn bác sĩ!
Ý kiến bạn đọc