Multimedia Đọc Báo in

Ấm áp tình người trong bệnh viện

10:17, 03/10/2011

Tình người sau vụ cháy kinh hoàng
Chị Bảy được hàng xóm đưa đến nhập viện chiều ngày 3-8-2011 trong tình trạng bị cháy bỏng 70% cơ thể, không một mảnh giấy tờ tùy thân. Bé Thảo mới 4 tuổi chỉ bỏng nhẹ vài chỗ cũng theo mẹ nằm viện vì chẳng còn chốn đi về.

Chị Bảy sinh năm 1977, một mình ôm con bỏ xứ Nghệ vào thôn 4, thị trấn Quảng Phú (Cư M’gar) lập nghiệp, sống như vợ hờ với một gã đàn ông chạy xe thồ, là đối tượng có tiền án tiền sự nghe nói đã qua hàng chục đời vợ. Trưa ngày 3-8, không rõ ghen tuông thế nào, gã nọ tạt xăng lên giường, bật lửa rồi vồ chặt lấy mẹ con chị Bảy đang ôm nhau ngủ. Bé Thảo vùng chạy trước, chị Bảy lạng quạng lết ra sau còn gã nọ chốt cửa chết cháy trong căn nhà đổ rụi.

Không tiền, không người chăm sóc, toàn thân đau đớn, hơn một tháng nằm viện chị Bảy được cán bộ nhân viên khoa Bỏng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh hết lòng điều trị, giúp đỡ. Điều dưỡng trưởng của khoa không chỉ tích cực liên lạc để bố cháu Thảo chịu vào đón con về, lại còn lặng lẽ vận động quyên góp được hơn chục triệu đồng giúp chị Bảy nộp viện phí và chi trả mọi dịch vụ trước khi chị được một nữ tu đón về tiếp tục chăm sóc.

Không riêng chị Bảy, nhiều người khác cũng tìm thấy nơi đây không khí gia đình đầm ấm, thân thiện. Hàng chục tổ chức và cá nhân giàu lòng hảo tâm đã tin tưởng đóng góp tiền của, công sức để cùng bệnh viện mở những bếp ăn từ thiện, hoạt động liên tục nhiều năm qua, đều đặn mỗi ngày cấp hàng trăm suất ăn miễn phí ngon lành cho những bệnh nhân nghèo khó như chị Bảy.

Bác sĩ ân cần hướng dẫn bà con cách phòng bệnh.
Bác sĩ ân cần hướng dẫn bà con cách phòng bệnh.
Kiên nhẫn phục vụ mùa...quá tải
Mật độ người dày nhất trong Bệnh viện Đa khoa tỉnh từ đầu năm tới nay rơi vào khoa Nhi. Khoa kê được 110 giường, cao điểm mùa dịch bệnh tay-chân-miệng nhiều ngày phải nhận đến 220 bệnh nhi nội trú. Nếu chia bình quân chỉ 2 bé/giường, nhưng vì nhiều bé phải ở phòng cách ly để tránh lây nhiễm, nên lắm giường tới 3, 4 bé nằm chung, cộng thêm người nhà theo chăm sóc, chật chội đến khó thở. Về đêm, bệnh viện đành phải chấp nhận cho thân nhân bệnh nhi chen nhau nằm dưới gầm giường, dọc lối đi và ngoài hành lang.

Gắn bó vui buồn với khoa Nhi cả chục năm, bác sĩ H’El kể: “Vất vả mấy chị em chúng tôi cũng chịu được, nhưng đau lòng lắm mỗi khi phát hiện trên thân thể những bệnh nhi đầy vết châm đốt bằng nhang do đồng bào Tày, Nùng, Dao tới nay vẫn mê tín tự chữa theo lời thầy mo thầy cúng, đến lúc nguy kịch rồi mới chịu đưa con em đi bác sĩ. Có bé cứ vặn vòi nước máy uống vì các em đã quen uống nước suối ở “giọt nước” buôn làng”. Mỗi bé nhập viện, cả buôn kéo lên thăm, khiến khoa đã quá tải càng thêm đông đúc chật chội.   

Bác sĩ Hoàng Ngọc Anh Tuấn, Trưởng khoa Nhi cho biết: Khoa biên chế có 50 người, lúc cao điểm được bệnh viện hỗ trợ thêm 20 người điều từ các khoa khác sang nhưng nhân lực vẫn thiếu trầm trọng. Mỗi điều dưỡng viên, nguyên tắc chăm tối đa từ 8-10 trẻ nhưng ở đây có ngày phải chăm sóc tới hơn 20 bé, “không biết nghỉ ngơi là gì” mà thu nhập vẫn chỉ trên dưới 3 triệu đồng/ tháng dù đã được bệnh viện san sẻ thêm, bởi khoa Nhi rất ít khoản thu, trẻ em dưới 6 tuổi đều được miễn viện phí. Nếu không vì tình cảm gắn bó và tinh thần trách nhiệm thì nhiều người đã bỏ ra ngoài làm cho các dịch vụ tư để hưởng lương gấp đôi gấp ba !

Bác sĩ kiêm tuyên truyền viên
Làm việc tại khoa Cấp cứu – “cửa nóng” của bệnh viện, bác sĩ Y Phel H’Dơk thường kiêm luôn vai “phiên dịch và tuyên truyền viên” cho bệnh nhân đồng bào thiểu số vùng sâu. Anh kể: “Trước đây mình thường gặp trường hợp đồng bào dứt khoát không cho máu. Bình thường họ rất hào phóng, gì cũng cho được, khi đụng chuyện cần máu thì nhất quyết không. Bệnh nhân bị tai nạn mất máu nặng, hoặc mắc những chứng bệnh cần được truyền máu trong khi bệnh viện thiếu nguồn, thân nhân đi theo rất đông nhưng vận động thử máu để hiến là sợ xanh mặt, chạy trốn. Hóa ra họ sợ người bệnh nhận máu mà chết thì sẽ biến thành ma, bám theo đòi máu nữa. Mình giải thích mãi, họ cũng hiểu ra”.

Nhiều câu chuyện nho nhỏ nhưng ấm tình người như vậy đã vun đắp nên không khí thân thiện ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Dù còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực lẫn chế độ đãi ngộ, tập thể cán bộ nhân viên bệnh viện đang có nhiều cố gắng đáng trân trọng, phấn đấu đáp ứng niềm mong muốn có những nơi tin cậy để được chăm sóc sức khỏe của nhân dân.   

Hoàng Thiên Nga

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.