Multimedia Đọc Báo in

Phòng chống dịch bệnh tay, chân, miệng: Cần sự nhập cuộc của cả cộng đồng

09:54, 05/10/2011

Đến thời điểm này, dịch bệnh tay, chân, miệng (TCM) trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, trung bình mỗi ngày toàn tỉnh ghi nhận khoảng 40 ca mắc mới TCM. Đặc biệt, Dak Lak vẫn là địa phương đứng đầu khu vực Tây Nguyên về số ca bệnh TCM. Hiện tại, để hạn chế sự lây lan dịch bệnh TCM, giảm thiểu ảnh hưởng của bệnh đến sức khỏe nhân dân (nhất là trẻ em), tỉnh đã huy động cả cộng đồng vào cuộc tham gia các hoạt động phòng, chống dịch bệnh.

Số liệu thống kê của ngành Y tế cho thấy: tính từ đầu năm 2011 đến cuối tháng 9 vừa qua, toàn tỉnh đã ghi nhận trên 1.550 trường hợp mắc bệnh TCM, trong đó có 1 ca tử vong. 100% các huyện, thị xã, thành phố và gần 85% số xã, phường trên địa bàn đã ghi nhận có ca bệnh TCM. Dịch tập trung nhiều ở các địa phương khu vực phía bắc tỉnh, gồm TP. Buôn Ma Thuột, các huyện Krông Buk, Cư M’gar và Ea H’leo. Theo bác sĩ Cao Minh Toàn, Phó Giám đốc Sở Y tế, thời gian tới, dịch bệnh TCM trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn biến phức tạp do bệnh lây truyền theo đường tiêu hóa và tiếp xúc trực tiếp (đặc biệt là với số người lành mang vi trùng cao) nên dịch bệnh lây lan rất phức tạp. Hơn nữa, các trường hợp mắc bệnh và tử vong tập trung chủ yếu ở trẻ em dưới 5 tuổi, là lứa tuổi trẻ chưa tự thực hiện được các biện pháp phòng bệnh nên sự gia tăng số mắc, tử vong phụ thuộc nhiều vào kiến thức, thái độ và hành vi của người chăm sóc trẻ. Ngoài ra, các biện pháp phòng chống dịch bệnh TCM trong thời gian qua chưa đạt hiệu quả cao, bởi mầm bệnh chưa được khống chế do môi trường không đảm bảo; việc thay đổi hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh cho trẻ của các bậc cha mẹ và người chăm sóc trẻ chuyển biến chậm; biện pháp dự phòng, chống dịch chưa được thực hiện quyết liệt, nhất là ở tuyến xã; sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng chống bệnh TCM chưa thật tích cực, chủ yếu vẫn giao phó cho ngành Y tế…

 Học sinh Trường Mầm non Quốc tế (TP. Buôn Ma Thuột) thực hành rửa tay sạch đúng cách để phòng chống  bệnh TCM.
Học sinh Trường Mầm non Quốc tế (TP. Buôn Ma Thuột) thực hành rửa tay sạch đúng cách để phòng chống bệnh TCM.

Để đối phó với diễn biến phức tạp của dịch bệnh TCM, bên cạnh việc tăng cường giám sát, truyền thông về dịch bệnh, ngành Y tế cũng đã đẩy mạnh các hoạt động chuyên môn trong phòng, chống dịch bệnh như: cung cấp kỹ năng phòng chống dịch bệnh TCM cho cán bộ y tế; tiến hành phun hóa chất sát khuẩn môi trường; tiếp nhận và điều trị cho người bệnh TCM theo đúng phác đồ điều trị của Bộ Y tế; kiểm tra, giám sát, khoanh vùng và xử lý triệt để ổ dịch TCM, tránh dịch bệnh lây lan rộng… Đặc biệt, trước sự gia tăng mạnh về số ca bệnh TCM những tuần gần đây, trong những tháng cuối năm 2011, hai ngành Y tế và Giáo dục – Đào tạo đã có Kế hoạch Phối hợp hành động liên ngành phòng chống dịch bệnh TCM trong các trường học năm học 2011-2012 nhằm hạn chế tối đa số trường hợp mắc và tử vong, bảo đảm sức khỏe cho trẻ và học sinh. Theo kế hoạch này, cán bộ quản lý giáo dục, cán bộ y tế trường học, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và người chăm sóc trẻ sẽ được cung cấp các kiến thức về bệnh TCM và được hướng dẫn kỹ năng vệ sinh cá nhân, cách pha và sử dụng Chloramin B để chủ động phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, các cô nuôi dạy trẻ, người chăm sóc trẻ tại các cơ sở giáo dục phải thực hiện rửa tay nhiều lần bằng xà phòng, nhất là trước khi chuẩn bị thức ăn, sau khi thay tã lót và sau khi đi vệ sinh; đảm bảo cho trẻ được ăn chín, uống chín, không cho trẻ uống chung cốc và ăn chung thìa, đũa, đề phòng bệnh lây lan. Trong trường hợp trẻ có các biểu hiện bệnh như bị sốt, xuất hiện nốt phỏng ở bàn tay, bàn chân hoặc miệng, giáo viên phải thông báo cho cha mẹ biết để cách ly, đưa đến cơ sở y tế khám và được điều trị kịp thời; cho các cháu nghỉ học để tránh bệnh lây lan.

Bên cạnh đó, để nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng, các ngành, các cấp trong việc phòng chống dịch bệnh TCM, hạn chế số mắc và tử vong do bệnh TCM gây ra trên địa bàn, mới đây UBND tỉnh đã phát động chiến dịch vệ sinh môi trường phòng chống bệnh TCM, huy động cả cộng đồng cùng vào cuộc. Ngay sau chiến dịch, các địa phương đã đồng loạt triển khai thực hiện vệ sinh môi trường, làm sạch nền nhà, bề mặt bàn, ghế, đồ chơi, vật dụng của trẻ tại các trường mầm non, mẫu giáo, các hộ gia đình và những nơi môi trường ẩn chứa mầm bệnh (chất thải từ người, nước bẩn, rác thải…) bằng hóa chất khử khuẩn; hướng dẫn trẻ và người chăm trẻ rửa tay sạch bằng xà phòng đúng cách. Thực hiện củng cố và kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch và xây dựng kế hoạch chủ động phòng chống bệnh TCM; tăng cường chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, nhắc nhở việc thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh, huy động cộng đồng tích cực và tự nguyện tham gia phong trào vệ sinh môi trường hằng ngày…

Không thể phủ nhận các biện pháp phòng, chống dịch bệnh TCM đã và đang được tỉnh ta triển khai đã có tác động tích cực từng bước hạn chế số ca mắc và tử vong do bệnh TCM; nhưng để công tác giám sát dịch TCM đạt hiệu quả cao, thiết nghĩ, ngoài việc tăng cường trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện, giám sát, kiểm tra, phát hiện sớm, khoanh vùng và xử lý ổ dịch TCM, cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động truyền thông về những biện pháp phòng, chống  bệnh TCM để nâng cao nhận thức của các bậc cha mẹ, người dân trong việc chủ động, tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh này, bởi đây mới là biện pháp phòng bệnh hiệu quả và bền vững nhất.

Bệnh TCM còn tiếp tục diễn biến lây lan rất phức tạp trong thời gian tới. Trong khi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có vắc xin phòng bệnh thì phương pháp phòng chống bệnh hiệu quả và tích cực nhất chính là ở hành vi của mỗi bậc cha mẹ, của cộng đồng, của người chăm sóc trẻ trong công tác vệ sinh phòng chống dịch bệnh.

Mọi người cần chủ động tìm hiểu bệnh TCM qua các khuyến cáo của ngành y tế trên các phương tiện thông tin; kịp thời đưa người bệnh đến các cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra khi có nghi ngờ mắc bệnh để được chữa trị. Tuy nhiên, cần tránh sự mất bình tĩnh, không có hiểu biết về dịch bệnh TCM nên vội vã đưa con cháu tới bệnh viện, làm gia tăng đột biến lượng trẻ đến khám bệnh ở các bệnh viện lớn; dẫn đến nguy cơ lây chéo bệnh TCM giữa người mắc bệnh với người chưa mắc bệnh, nhất là với trẻ em.

Kim Oanh

Ý kiến bạn đọc