Multimedia Đọc Báo in

Tỷ lệ tiêm phòng ở trẻ sơ sinh đang giảm mạnh

14:46, 14/10/2011

Tỷ lệ trẻ sơ sinh được tiêm phòng trong 24 giờ đầu sau sinh đang giảm ở mức báo động, gây lo ngại về nguy cơ trẻ mắc các bệnh nguy hiểm.

tiem phong.jpg
Tiêm phòng viêm gan B cho trẻ sơ sinh. Ảnh: TL

PGS-TS Nguyễn Trần Hiển, Chủ nhiệm Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết, do có các trường hợp phản ứng nặng xảy ra sau khi tiêm các vắc xin nên tỷ lệ tiêm 24 giờ sau sinh đã giảm từ 64% (năm 2007) xuống 40% (năm 2009) và 6 tháng đầu năm nay chỉ còn khoảng 20%. Việc các bậc cha mẹ bỏ tiêm vắc xin cho con là rất sai lầm vì sẽ làm cho trẻ mất cơ hội bảo vệ. Hiện nay có 15%-20% người Việt Nam mang kháng nguyên viêm gan B, trong số này có khoảng 10% bà mẹ mang thai có mang vi rút viêm gan B và 90% trong số đó có nguy cơ truyền sang con trong khi sinh nở. Trong khi đó, nếu tiêm vắc xin viêm gan B mũi 1 trong vòng 24 giờ đầu sau khi sinh thì khoảng 90%  trẻ sơ sinh sẽ tránh được nguy cơ nhiễm vi rút viêm gan B.

Theo thống kê, mỗi năm nước ta có khoảng 800.000 - 1 triệu trẻ mới ra đời, nếu cứ lấy con số trung bình 20% trẻ được tiêm thì mỗi năm cũng còn 650.000 -800.000 trẻ không được bảo vệ khỏi nguy cơ nhiễm bệnh sớm. Ước tính, 1/3 số này sẽ bị xơ gan và ung thư gan sau đó. Đáng ngại là quá trình này kéo dài âm thầm nhiều năm, gần như không có biểu hiện lâm sàng nào và người bệnh chỉ nhập viện điều trị ở giai đoạn muộn với các biến chứng nguy hiểm như suy gan, xơ gan, ung thư gan, tử vong.

Lý giải tỷ lệ tiêm vắc xin viêm gan B đang giảm mạnh, nhiều chuyên gia nhìn nhận sau khi xảy ra các trường hợp tai biến nặng hoặc tử vong sau tiêm, không chỉ nhiều bà mẹ không muốn cho con đi tiêm phòng mà cán bộ y tế cũng dè dặt vì lo ngại phản ứng nặng có thể xảy ra.

Lưu ý biểu hiện trầm trọng sau tiêm chủng
Theo PGS-TS Nguyễn Trần Hiển, vắc xin cũng như thuốc, khi tiêm có thể xảy ra phản ứng bất thường không mong muốn. Sau khi được tiêm, trẻ có thể sốt, đau, sưng tấy tại chỗ tiêm hoặc quấy khóc nhưng đó là các phản ứng thông thường.
Các phản ứng nhẹ thường tự khỏi trong vòng một ngày mà không cần xử trí gì. Tuy nhiên, với một số biểu hiện trầm trọng sau tiêm chủng như: sốt cao trên 390C, co giật, tím tái, bỏ bú, sưng to quanh chỗ tiêm… thì cần đưa trẻ tới ngay cơ sở y tế để xử trí kịp thời.
Lịch tiêm chủng cho trẻ bắt đầu rất sớm, ngay từ khi trẻ sơ sinh là thời điểm tử vong sơ sinh xảy ra cao nhất. Do đó, nếu có phản ứng nặng xảy ra với những trẻ này, người ta dễ đổ lỗi cho tiêm chủng.


K.O (nguồn NLĐ)


Ý kiến bạn đọc