Multimedia Đọc Báo in

Bệnh viện Đa khoa huyện M’Drak: Những bước chuyển mình

08:29, 21/11/2011

Phát huy truyền thống là một trong những bệnh viện tuyến huyện xuất sắc của tỉnh, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) huyện M’Drak đã vượt lên những khó khăn, tranh thủ các điều kiện sẵn có, tăng cường đầu tư cả về máy móc trang thiết bị lẫn con người để ngày càng thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn…

Trao đổi với bác sĩ Trần Văn Khánh, Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính, BVĐK huyện M’Drak được biết, mấy năm gần đây, Sở Y tế và lãnh đạo huyện rất quan tâm, nên BV đã được đầu tư thêm cơ sở vật chất, các trang thiết bị, dụng cụ phục vụ khám chữa bệnh. Xác định rõ trách nhiệm của mình là chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho người dân địa phương, một huyện vùng sâu vùng xa của tỉnh, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, thời gian qua, BV đã tích cực đẩy mạnh cải cách hành chính, không ngừng hoàn thiện mô hình vận hành các khoa, phòng, tăng cường các dịch vụ, kỹ thuật cao để nâng cao hiệu quả công tác khám, chẩn đoán và điều trị bệnh. Nhận thức rõ đầu tư công nghệ kỹ thuật cao là điều quan trọng và rất cần thiết, song  người sử dụng kỹ thuật cao là yếu tố quyết định, do đó, BV luôn chú trọng đào tạo nguồn nhân lực. Với 17 bác sĩ hiện có, từ năm 2004 đến nay, BV đã cử gần 11 lượt bác sĩ đi học chuyên khoa I các hệ ngoại tổng quát, chấn thương chỉnh hình, phụ sản, tai - mũi - họng, răng - hàm - mặt, nhiễm, nhi, nội, đông y. Đồng thời, BV còn thường xuyên cử cán bộ, y bác sĩ đi học tập, tập huấn, dự các hội nghị khoa học để đào tạo theo hướng chuyên sâu và mời các bác sĩ tuyến trên về cầm tay chỉ việc, chuyển giao công nghệ. Đó chính là cơ sở để đội ngũ cán bộ, y bác sĩ của BV nắm bắt và làm chủ được công nghệ, máy móc sẵn có và áp dụng nhiều kỹ thuật chuyên sâu.

Bác sĩ Nguyễn Viết Ninh, BVĐK huyện M’Drak đang kiểm tra sức khỏe của người bệnh sau phẫu thuật.
Bác sĩ Nguyễn Viết Ninh, BVĐK huyện M’Drak đang kiểm tra sức khỏe của người bệnh sau phẫu thuật.
Với sự chủ động về nguồn nhân lực có chuyên môn, chỉ trong 3 năm (2009-2011), BVĐK huyện M’Drak đã triển khai được trên 30 kỹ thuật mới, trong đó có nhiều kỹ thuật điển hình đem lại hiệu quả cao trong cấp cứu và điều trị cho người bệnh như: kỹ thuật kết hợp xương bằng đinh Krischner trong gãy trên lồi cầu xương cánh tay; mổ xương đùi; mổ tắc ruột; cắt tử cung toàn phần qua đường âm đạo, đường bụng; cắt lách chấn thương; đặt nội khí quản và máy thở trên bệnh nhân hôn mê; tháo lồng ruột bằng hơi ở trẻ em lồng ruột; xúc rửa dạ dày bằng hệ thống kín; đặt Cathete đo áp lực tĩnh mạch trung tâm… Qua việc thường xuyên tiếp cận và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào khám chữa bệnh, đến nay, BVĐK huyện M’Drak đã làm chủ được một số kỹ thuật vượt tuyến, nâng cao chất lượng điều trị, mang lại nhiều lợi ích to lớn cho người bệnh trên địa bàn. Điển hình như việc triển khai được kỹ thuật cắt lách chấn thương ngay tại BV, từ năm 2010 đến nay, các ca chấn thương lách nhập viện cấp cứu đều được phẫu thuật kịp thời, bảo toàn được tính mạng. So với trước đây, khi BV chưa triển khai được kỹ thuật này, người bệnh nhập viện đều phải chuyển lên tuyến trên để phẫu thuật, vì thế hầu hết các ca chấn thương lách đều tử vong do mất thời gian chuyển viện không thể phẫu thuật kịp thời. Hay việc thực hiện được kỹ thuật mổ lấy thai ngay tại BV đã giúp cho nhiều sản phụ không phải chuyển viện lên tuyến trên, tránh được các nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng của cả mẹ và thai nhi, đặc biệt, người bệnh lại tiết kiệm được chi phí và thời gian trong quá trình điều trị. Thông qua việc ứng dụng khoa học kỹ thuật đã tạo tiền đề cho hoạt động KCB của BV được thực hiện hiệu quả, phục vụ người bệnh tốt nhất. Điều này thể hiện rõ ở tỷ lệ bệnh nhân đến khám và điều trị nội trú tại BV ngày càng tăng (trước năm 2000, số bệnh nhân điều trị nội trú tại BV là dưới 2.000 lượt, đến nay đạt trên 7.000 lượt), công suất sử dụng giường bệnh cao, hầu hết đều đạt trên 100%, đặc biệt tỷ lệ bệnh nhân chuyển tuyến điều trị giảm rõ rệt (từ gần 4,48% năm 2006 xuống 2,18% vào năm 2010)… 

Bên cạnh việc triển khai các kỹ thuật mới, công tác chỉ đạo tuyến cơ sở của BV cũng không ngừng được quan tâm. Bác sĩ Phạm Xuân Thủy , Trưởng phòng Kế hoạch - Nghiệp vụ, BVĐK huyện M’Drak cho biết, những năm qua, thực hiện Đề án 1816 cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ tuyến trên về hỗ trợ tuyến dưới, BV thường xuyên tổ chức đưa cán bộ bác sĩ luân phiên về hỗ trợ 7 trạm y tế chưa có bác sĩ trên địa bàn vừa để khám chữa bệnh cho người dân, vừa cầm tay chỉ việc và chuyển giao một số kỹ thuật như: xét nghiệm ký sinh trùng, khám phụ khoa, đặt vòng, siêu âm… để tăng cường năng lực cho y tế cơ sở, cải thiện chất lượng tuyến khám chữa bệnh ban đầu. Trong thời gian tới, để duy trì tốt công tác điều trị cho nhân dân, ngoài việc tranh thủ nhiều nguồn kinh phí để trang bị các thiết bị khám, chữa bệnh tốt hơn, BV sẽ phát huy tối đa nguồn nhân lực sẵn có để nâng cao hơn nữa chất lượng khám và điều trị cho người bệnh…

Có thể khẳng định, với đà phát triển chuyên môn, cộng thêm việc xác định chiến lược đúng đắn, BVĐK huyện M’Drak sẽ giữ vững mục tiêu trở thành địa chỉ tin cậy nhất về chăm sóc sức khỏe đối với người dân trên địa bàn.

Kim Oanh

Ý kiến bạn đọc