Multimedia Đọc Báo in

Bộ Y tế hướng dẫn các địa phương về việc thực hiện công bố dịch bệnh tay, chân, miệng

11:22, 28/11/2011

Số người mắc và tử vong do dịch bệnh tay, chân, miệng (TCM) đã có chiều hướng giảm, nhưng vẫn ở mức rất cao, với khoảng 2.000 trường hợp mắc mới trong vòng một tuần trên phạm vi cả nước. Trước thực tế này, Bộ Y tế đã hướng dẫn các tỉnh thành về việc thực hiện công bố dịch TCM nhằm tăng cường hơn nữa việc phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh nguy hiểm này.

Theo Cục Y tế dự phòng, tính từ đầu năm cho tới cuối tháng 11, cả nước có gần 90.300 trường hợp mắc bệnh TCM tại 63 tỉnh, thành; trong đó có 154 ca tử vong. Số trường hợp mắc bệnh tập trung chủ yếu ở trẻ dưới 5 tuổi, chiếm 91%; số trường hợp tử vong dưới 5 tuổi chiếm 98%. TS Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, tới thời điểm hiện nay là cuối tháng 11 tình hình dịch bệnh vẫn diễn ra căng thẳng, với số ca mắc mới khoảng 2.000 trường hợp được ghi nhận mỗi tuần. So với giai đoạn tháng 9, tháng 10 thì hiện nay số người mắc mới TCM đã giảm khoảng 20% mỗi tuần, nhưng tình hình dịch bệnh vẫn rất căng thẳng và sẽ tiếp tục kéo dài. Ngoài yếu tố chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu thì ý thức của cộng đồng trong việc phòng ngừa căn bệnh này vẫn còn rất yếu, là nguyên nhân chính khiến cho dịch bệnh TCM dai dẳng.

Rửa tay sạch thường xuyên là một trong các biện pháp giúp trẻ phòng bệnh TCM. Ảnh: TL

Một nghiên cứu mới đây cho thấy: có tới trên 50% người chăm sóc trẻ không rửa tay bằng xà phòng trước khi chăm trẻ và trước khi chế biến thức ăn, trên 80% số trẻ không rửa tay trước khi ăn uống. Đáng lo ngại hơn, số người khỏe mạnh nhưng mang vi rút gây bệnh TCM hiện trong cộng đồng cũng ở mức cao. TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, một trong những lý do khiến số tử vong vẫn tăng lên là do nhận thức, kiến thức về cách phòng chống, điều trị bệnh của người dân cũng như của các đơn vị y tế tuyến dưới còn hạn chế. Có đến 50% ca bệnh TCM từ tuyến dưới chuyển lên tuyến trên không an toàn, 33% bệnh nhân nhập viện muộn trong tình trạng bệnh nặng.

 

Trước tình trạng dịch bệnh TCM vẫn rất căng thẳng ở rất nhiều tỉnh thành, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đề nghị các địa phương cần công bố dịch bệnh truyền nhiễm đúng thời điểm và đúng quy định. Theo đó, các địa phương tiến hành công bố dịch khi số người mắc bệnh truyền nhiễm vượt quá số người mắc bệnh dự tính bình thường; số người mắc bệnh vượt quá số người mắc bệnh trung bình 5 năm tại thời điểm cụ thể của từng loại bệnh truyền nhiễm ở địa phương; đồng thời quy mô, tính chất của dịch vượt quá tầm kiểm soát của cơ quan y tế tuyến tỉnh, thành phố; phát hiện bệnh dịch có tỷ lệ tử vong cao mà chưa rõ tác nhân gây bệnh.... Bộ Y tế cũng yêu cầu các tỉnh thành khi thực hiện công bố dịch bệnh truyền nhiễm trên người phải thành lập Ban chỉ đạo chống dịch trong vòng 24 giờ; đồng thời tham mưu cho chính quyền tập trung ưu tiên trong việc điều hành sự phối hợp các ngành, đoàn thể,  bố trí nguồn nhân lực, vật tư trang thiết bị, kinh phí hợp lý... Cùng với đó, các Viện vệ sinh dịch tễ/ Pasteur khu vực tăng cường chỉ đạo, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho các địa phương công bố dịch trong khu vực quản lý.

 

Được biết, tính từ đầu năm 2011 tới nay, số người mắc TCM ở nước ta đã tăng 9 lần so với năm 2010, số ca tử vong tăng hơn 10 lần.

K.O (nguồn SGGP)


Ý kiến bạn đọc