Dự án “Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ em dân tộc thiểu số thông qua hành vi có lợi cho sức khỏe”: Góp phần giúp giảm bệnh tật, tử vong bà mẹ, trẻ em
Từ tháng 6-2011, Dự án “Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ em dân tộc thiểu số thông qua hành vi có lợi cho sức khỏe” do Trung tâm Nghiên cứu phát triển y tế cộng đồng phối hợp với Sở Y tế đã được triển khai tại 6 xã, thị trấn gồm Yang Mao, Cư Pui, Cư Drăm (Krông Bông) và Ea Lê, Cư Kbang, thị trấn Ea Súp (Ea Súp). Thông qua việc khuyến khích các hành vi có lợi cho sức khỏe của bà mẹ và trẻ em trong các cặp vợ chồng, gia đình và cộng đồng như: nâng cao hiểu biết và thực hành dinh dưỡng, không kết hôn và mang thai sớm, chuẩn bị đầy đủ cho việc mang thai và sinh nở an toàn, nuôi con đúng cách…, dự án được kỳ vọng sẽ góp phần giảm bệnh tật, tử vong bà mẹ và trẻ em trong nhóm đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh; giảm nguy cơ nghèo hóa bởi gánh nặng chi phí do bệnh tật, ốm đau và tử vong gây ra.
Hiện nay, tình trạng mang thai sớm và tai biến sản khoa ở phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ người dân tộc thiểu số tại các huyện Krông Bông và Ea Súp chiếm tỷ lệ khá cao. Ước tính có hơn 32% phụ nữ tại huyện Ea Súp và trên 27% phụ nữ ở huyện Krông Bông mang thai lần đầu ở độ tuổi từ 17 đến 19 tuổi, thấp hơn từ 3 - 4 tuổi so với tuổi trung bình của cả nước về độ tuổi sinh đẻ. Bên cạnh đó, tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đã từng có các vấn đề về sản khoa như: nạo phá thai, sảy thai hoặc thai chết lưu… chiếm gần 16% tại huyện Ea Súp và 17% tại huyện Krông Bông. Tỷ lệ phụ nữ sinh con tại nhà là 15,5%, sinh con thiếu sự trợ giúp của cán bộ y tế chiếm hơn 10% tại huyện Ea Súp và gần 18% tại Krông Bông.
(Ảnh minh họa) |
Còn tại xã Cư Drăm (Krông Bông), trong 8 tháng đầu năm 2011, Trạm Y tế xã đã khám cho 693 lượt phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, trong đó, phát hiện và điều trị cho gần 400 người. Tỷ lệ bà mẹ sinh đẻ tại nhà và không có sự trợ giúp của cán bộ y tế chiếm hơn 20%. Khó khăn lớn nhất trong quá trình chăm sóc sức khỏe phụ nữ mang thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và trẻ em, đặc biệt là bà mẹ và trẻ em dân tộc thiểu số nơi đây là sự bất đồng về ngôn ngữ vì hầu hết phụ nữ người dân tộc H’Mông đều không biết tiếng phổ thông, chưa nhận thức và chưa biết tự chăm sóc sức khỏe trước và trong khi mang thai, nhất là thiếu kiến thức về chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi. Phụ nữ và trẻ em là những người phải chịu ảnh hưởng từ những người có vai trò quyết định trong gia đình như: người chồng, bố mẹ, do vậy bà mẹ và trẻ em chưa nhận được sự quan tâm, chăm sóc đúng mức.
Qua gần 5 tháng triển khai tại các xã nói trên, Dự án “Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ em dân tộc thiểu số thông qua hành vi có lợi cho sức khỏe” đã bước đầu có những hiệu quả nhất định với các hoạt động như: tổ chức Hội nghị vận động các cấp chính quyền địa phương tham gia và phối hợp thực hiện dự án nhằm truyền thông các hoạt động chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ mang thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và trẻ em dưới 5 tuổi, tạo điều kiện cho các đối tượng này được tiếp cận các dịch vụ có lợi cho sức khỏe, thay đổi và nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng tránh suy dinh dưỡng ở trẻ em, cũng như giảm tỷ lệ tử vong ở các bà mẹ và trẻ em dưới 5 tuổi… Trong thời gian tới, dự án sẽ tổ chức đào tạo về truyền thông thay đổi hành vi trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bà mẹ và bảo vệ trẻ em cho cán bộ truyền thông, nhân viên y tế cộng đồng; tập huấn về hành vi làm mẹ an toàn và kỹ năng chăm sóc trẻ cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, hỗ trợ nhóm cộng đồng được tiếp cận với thông tin làm mẹ an toàn và chăm sóc trẻ, tập huấn cho cán bộ về chăm sóc bà mẹ trẻ em. Đặc biệt, dự án sẽ chú trọng áp dụng các phương thức truyền thông thay đổi hành vi phù hợp với văn hóa, tập quán của người dân địa phương bằng nhiều hình thức; nâng cao năng lực và cam kết của địa phương thực hiện chiến lược truyền thông đa dạng và phù hợp thông qua các nội dung can thiệp cụ thể như: truyền thông thay đổi hành vi làm mẹ an toàn, chăm sóc trẻ em (phụ nữ không kết hôn và mang thai sớm; các cặp vợ chồng chuẩn bị đầy đủ cho việc mang thai và sinh nở an toàn, nuôi con đúng cách, nâng cao vai trò và trách nhiệm của người chồng trong chăm sóc sức khỏe vợ và con cái; phòng chống viêm đường hô hấp và tiêu chảy cho trẻ dưới 5 tuổi…); nâng cao năng lực truyền thông thay đổi hành vi và huy động cộng đồng tuyến huyện, xã, thôn, buôn. Lồng ghép chương trình hỗ trợ vay vốn của ngân hàng chính sách đối với các hộ nghèo và phối hợp với hệ thống bảo hiểm y tế bảo đảm quyền lợi cho người dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em người dân tộc thiểu số địa phương.
Tuy nhiên, vẫn còn không ít khó khăn trong quá trình triển khai Dự án “Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ em dân tộc thiểu số thông qua hành vi có lợi cho sức khỏe” như: bất đồng ngôn ngữ, phong tục tập quán, địa hình xa xôi, giao thông khó khăn, thiếu điện và các phương tiện phục vụ cho hoạt động tiếp cận truyền thông đại chúng. Vì vậy rất cần có sự quan tâm và phối hợp của các ban ngành, đoàn thể trong việc lồng ghép tuyên truyền các chương trình để Dự án đạt hiệu quả cao.
Ý kiến bạn đọc