Multimedia Đọc Báo in

Phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam: Dịch giảm nhưng chưa bền vững

08:14, 22/11/2011

Theo báo cáo của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, trong 9 tháng đầu năm 2011, số trường hợp nhiễm HIV ở nước ta là 9.121 người, trong đó có 3.723 bệnh nhân AIDS và 1.394 trường hợp tử vong do AIDS. Như vậy, người nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS và tử vong do AIDS tiếp tục có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2010.

Mặc dù dịch HIV/AIDS tiếp tục có xu hướng giảm nhưng vẫn chưa đảm bảo tính bền vững, vẫn tiềm ẩn những nguy cơ bùng phát nếu không có những biện pháp can thiệp mạnh mẽ và hiệu quả. Hiện nay, nhận thức của người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, miền núi còn hạn chế. Ngay cả kiến thức của nhóm thanh thiếu niên về HIV cũng chưa đầy đủ. Theo Điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam (SAVY) cho thấy, chỉ có gần 50% thanh thiếu niên hiểu biết đầy đủ về HIV/AIDS. Bên cạnh đó, sự chuyển đổi hình thái nhiễm HIV theo xu hướng lây qua quan hệ tình dục gia tăng làm khó khăn hơn khi triển khai các biện pháp phòng, chống. Hiện nước ta chưa có các mô hình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con phù hợp với từng vùng miền nên khó thực hiện được yêu cầu bao phủ 100% các bà mẹ được xét nghiệm HIV để dự phòng lây truyền từ mẹ sang con. Các cơ sở y tế vẫn chưa thu hút được bệnh nhân AIDS đến điều trị vì đại đa phần bệnh nhân tiếp cận với các dịch vụ ở giai đoạn muộn dẫn đến làm tăng chi phí điều trị và giảm hiệu quả điều trị.

Đẩy mạnh công tác truyền thông thay đổi hành vi trong phòng chống HIV/AIDS là cách để duy trì tốt những kết quả đã đạt được trong phòng, chống HIV thời gian qua. Ảnh: TL

Nằm trong khó khăn chung về nhân lực của hệ thống y tế dự phòng, Chương trình phòng, chống HIV/AIDS đang thiếu hụt nghiêm trọng đội ngũ cán bộ tại tất cả các tuyến. Sự thiếu hụt này là rào cản cho việc mở rộng chương trình điều trị và công tác can thiệp giảm tác hại. Chính vì thế, để dịch HIV/AIDS ở nước ta giảm một cách bền vững, trong thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin giáo dục truyền thông thay đổi hành vi; tăng cường hơn nữa hoạt động của mạng lưới nhân viên tiếp cận cộng đồng (đặc biệt là đội ngũ tuyên truyền viên đồng đẳng), phân phát bao cao su và bơm kim tiêm cho các đối tượng can thiệp giảm tác hại; đa dạng hóa hình thức tiếp cận dịch vụ can thiệp, liên kết các dịch vụ y tế, xã hội để nâng cao hiệu quả của chương trình. Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì và triển khai mở rộng điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadon, hoạt động tư vấn xét nghiệm tự nguyện, điều trị ARV...

Được biết, tại Hội nghị cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc về HIV/AIDS mới đây, cộng đồng quốc tế đã đánh giá cao và cam kết nỗ lực cùng Việt Nam trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS, song thách thức đối với Việt Nam nói chung và ngành Y tế nói riêng vẫn còn rất lớn. Do đó, để kiểm soát thành công dịch HIV/AIDS, ngoài các chương trình hành động cụ thể, huy động cộng đồng và phối hợp liên ngành, việc tăng đầu tư ngân sách trong nước giai đoạn tới là một nhu cầu cấp thiết, rất cần được ưu tiên. Hiện Bộ Y tế đã đề xuất với Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan, các doanh nghiệp xây dựng đề án thu hút nguồn lực đảm bảo tính bền vững cho Chương trình phòng, chống HIV/AIDS trong giai đoạn 2011-2015 và tầm nhìn 2020 để từng bước thực hiện xã hội hóa hoạt động phòng chống HIV/AIDS.

K.O (nguồn SK&ĐS)


Ý kiến bạn đọc