Tăng cường phòng chống bệnh tay chân miệng
Từ nay đến hết tháng 12, từng hộ gia đình có trẻ dưới 5 tuổi cần được phát xà phòng diệt khuẩn và thường xuyên nhắc nhở, tuyên truyền các bậc phụ huynh rửa tay bằng xà phòng sạch sẽ, đặc biệt chú ý đến vệ sinh tại nơi sinh hoạt của trẻ để phòng chống bệnh TCM. Đây là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân tại hội nghị “Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh tay chân miệng” vừa diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh. Để nhanh chóng kiểm soát tình hình bệnh dịch, giảm thiểu những tác động nguy hiểm của bệnh TCM với người dân, Phó Thủ tướng đề nghị UBND các tỉnh và đoàn thể phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa bằng cách chủ động và tăng cường giám sát, kiểm tra, đôn đốc người dân thực hiện đúng theo hướng dẫn phòng dịch của Bộ Y tế. Phó Thủ tướng cũng đề nghị UBND các tỉnh cần chủ động cung cấp xà phòng cho bà con, các hộ gia đình có trẻ em dưới 5 tuổi ở các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
Vệ sinh bàn, ghế, đồ chơi sạch sẽ là cách phòng chống bệnh TCM lây lan hiệu quả. Ảnh: K.O |
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), ở Việt Nam, bệnh TCM xuất hiện lần đầu vào năm 2003 tại một số tỉnh phía nam và bùng phát từ tháng 5-2011 rồi nhanh chóng lan rộng ra 63 tỉnh, thành phố của cả nước. Bệnh được ghi nhận nhiều nhất trong tháng 9, tháng 11-2011, hiện đang có xu hướng giảm. Các địa phương có tỷ lệ mắc cao nhất là: Quảng Ngãi, Đồng Tháp, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bến Tre, Hòa Bình, Tây Ninh, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Kon Tum. Theo số liệu thống kê, tính đến ngày 15-11-2011, cả nước đã ghi nhận 90.189 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng tại 63/63 tỉnh, thành phố và đã có 153 trường hợp tử vong tại 28 địa phương.TS Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho biết ở nước ta, bệnh TCM xuất hiện rải rác từ tháng 1 và tăng cao vào các tháng 8, 9, 10. Dự báo, trong tháng 11, 12, số mắc bệnh có xu hướng giảm. Tuy nhiên bệnh vẫn có nguy cơ mắc phải và gây tử vong cao vì những nguyên nhân: bệnh do vi rút đường ruột lây theo đường tiêu hóa và tiếp xúc trực tiếp, không có vắc xin phòng bệnh, không có thuốc đặc trị đặc hiệu; tỷ lệ người lớn mang trùng cao là nguồn lây nhiễm cho trẻ em; ý thức của người chăm sóc trẻ còn yếu kém, không áp dụng biện pháp rửa tay trước khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh. Một số địa phương vẫn chưa nhận thức đầy đủ về bệnh TCM và công tác truyền thông giáo dục sức khỏe tại cộng đồng chưa sâu rộng, chủ yếu chỉ nói đến tình hình dịch, bệnh mà không tuyên truyền về cách phòng bệnh thế nào…
Liên quan đến việc GS-TS Nguyễn Văn Khải, nguyên Giám đốc Trung tâm Tư vấn và tiết kiệm năng lượng dung dịch hoạt hóa, điện hóa Hà Nội (Viện Khoa học Việt Nam) thử nghiệm chữa bệnh TCM bằng nước ozone tại Ninh Thuận, Hội đồng Khoa học Bộ Y tế đã có cuộc họp xem xét và nhận định về phương pháp chữa bệnh này. PGS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh cho biết, theo kết luận của Hội đồng khoa học Bộ Y tế ngày 18-11, việc chữa bệnh TCM bằng các phương pháp như nước ozone, lá xoài là thiếu căn cứ khoa học, vì căn nguyên gốc của bệnh là do vi rút xâm nhập vào cơ thể người thông qua đường ruột, tiêu hóa, tiếp xúc trực tiếp sau đó phá hủy sức đề kháng của cơ thể. Việc chữa bệnh bằng nước ozon chỉ có tác dụng hỗ trợ chữa bệnh trong giai đoạn 1, làm se mặt ngoài da, không có tác dụng kháng bất cứ vi rút nào. Trẻ nhỏ sốt phát ban, sốt xuất huyết, nổi mẩn đỏ có triệu chứng lâm sàng rất giống với bệnh TCM, vì vậy người chăm sóc trẻ em, các bệnh viện tuyến dưới cần hết sức thận trọng trong việc điều trị theo dõi cho các bệnh nhi, nếu thấy bất thường phải chuyển lên bệnh viện tuyến trên.
K.O (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc