Multimedia Đọc Báo in

Thuốc kháng sinh - "Con dao hai lưỡi"

08:47, 29/11/2011

90% thuốc kháng sinh được bán không cần đơn, bất kể là ở nông thôn hay thành thị, đây là kết quả nghiên cứu về tình hình cung ứng kháng sinh do Đại học Oxford (Anh), Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương thực hiện tại 30 nhà thuốc tư nhân đầu năm 2011. Kết quả này đã khiến không ít người giật mình.
 
Hiện nay thuốc kháng sinh chiếm đến 1/4 tổng số thuốc bán ra của các hiệu thuốc. Người dân bị sốt, ho, viêm họng, thậm chí… đau bụng đi ngoài cũng tìm ngay đến kháng sinh. Mặc dù đã có quy định, nhưng nhiều nơi vẫn bán thuốc kháng sinh không cần có chỉ định của bác sĩ khám mà bán theo yêu cầu của người bệnh. Nhiều trường hợp người bán còn tư vấn cho bệnh nhân nên thay thuốc thông thường bằng kháng sinh cho hiệu quả, dù mức độ bệnh chưa phải dùng đến. Ngay cả bác sĩ cũng lạm dụng kháng sinh. Khảo sát tại nhiều bệnh viện lớn ở Hà Nội cho thấy, kháng sinh được ghi trên rất nhiều đơn thuốc, trong khi thực bệnh không cần dùng đến. Có khoa, thuốc kháng sinh được chỉ định sử dụng ở 100% bệnh nhân... Còn theo nghiên cứu của Cục Quản lý khám chữa bệnh tại 19 bệnh viện ở Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và Hải Phòng cho thấy có đến 74% thuốc kháng sinh được dùng không phù hợp.

Hiện nay, tại nhiều nhà thuốc, thuốc kháng sinh vẫn được bán theo yêu cầu của khách hàng, không cần chỉ định của bác sĩ khám. Ảnh minh họa

Không ai nghi ngờ tác dụng và hiệu quả của thuốc kháng sinh khi được sử dụng đúng bệnh, đúng lúc và quan trọng là đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ. Thế nhưng trong thực tế, việc dùng kháng sinh lại đang không được thực hiện nghiêm túc theo yêu cầu này. Bên cạnh nhận thức của người dân còn hạn chế, luôn coi kháng sinh là thuốc "chữa bách bệnh", phía ngành y tế lại có tình trạng bác sĩ khám chạy theo lợi nhuận, lạm dụng việc chỉ định dùng kháng sinh, mà chưa có chế tài xử lý. Ngoài những tác hại về mặt xã hội, sử dụng kháng sinh không đúng, không phù hợp còn tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn kháng thuốc phát triển, khiến bệnh càng nặng, làm cho thời gian điều trị kéo dài hơn. Ngoài ra, chi phí ban đầu cũng rất tốn kém do giá thuốc kháng sinh khá đắt, trong khi vẫn phải mua và sử dụng các loại thuốc bệnh khác. Hằng năm, Việt Nam có khoảng 440.000 trường hợp mắc lao đa kháng thuốc, làm khoảng 150.000 ca tử vong. Nguyên nhân kháng thuốc là do người bệnh mua kháng sinh tự điều trị khi không có đơn của thầy thuốc, dùng thuốc không đúng với chủng vi khuẩn, virus, ký sinh trùng và sử dụng không đúng liều lượng, hàm lượng, thời gian. Đặc biệt, việc sử dụng kháng sinh bừa bãi điều trị những bệnh không phải bệnh lý nhiễm khuẩn đang khiến vi khuẩn chống lại kháng sinh.

Có thể thấy, trong ngành y, kháng sinh được ví là “con dao hai lưỡi”, bởi dùng đúng, dùng phù hợp thì rất tác dụng, nhưng dùng sai, dùng không phù hợp, lạm dụng thì "lợi bất cập hại" cả về sức khỏe lẫn kinh tế. Do đó, để người tiêu dùng sử dụng các loại thuốc phù hợp, đặc biệt là thuốc kháng sinh, hiện Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đang xây dựng dự thảo khung kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc giai đoạn 2012-2020 với mục tiêu nâng cao nhận thức của cộng đồng về chống kháng thuốc; thiết lập hệ thống giám sát về kháng thuốc; khuyến khích người dân chỉ mua kháng sinh khi có đơn của bác sĩ; bảo đảm tiếp cận thuốc thiết yếu có chất lượng… Tuy nhiên, để lập lại “trật tự” của việc sử dụng thuốc kháng sinh, trách nhiệm của ngành y tế rất lớn, đặc biệt là về hoạt động truyền thông, giáo dục sức khỏe cho cộng đồng.

K.O (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc