Multimedia Đọc Báo in

Trang bị kiến thức cho cộng tác viên y tế thôn, buôn: Góp phần mang lại hiệu quả cho công tác truyền thông trực tiếp tại cộng đồng

04:07, 28/11/2011

Cộng tác viên y tế thôn, buôn có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác tuyên truyền trực tiếp tại tuyến cơ sở, bởi đây là đội ngũ gần dân, tiếp xúc nhiều với dân và quản lý cụ thể nhất các đối tượng trên địa bàn. Hiện nay, toàn tỉnh có 2.436 cộng tác viên y tế thôn, buôn. Với các hoạt động như: đến từng nhà để tuyên truyền phòng chống suy dinh dưỡng, cân đo trẻ theo tháng, vận động các đối tượng trong diện tiêm chủng đi tiêm phòng, khuyến khích người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh theo mùa… trong những năm qua, đội ngũ cộng tác viên y tế thôn, buôn đã góp phần lớn trong việc nâng cao nhận thức phòng bệnh cho người dân, góp phần hạn chế số ca mắc bệnh và tử vong tại cộng đồng. Tuy vậy, việc trang bị kiến thức, chuyên môn về y tế cho đội ngũ này vẫn còn nhiều bất cập.

Một buổi giao ban cộng tác viên y tế thôn buôn tại Trạm Y tế xã Ea Brốc, huyện Ea Súp.
Một buổi giao ban cộng tác viên y tế thôn buôn tại Trạm Y tế xã Ea Brốc, huyện Ea Súp.
Từ năm 2005 đến nay, toàn tỉnh mới chỉ có 118 cộng tác viên y tế thôn, buôn được đào tạo thành cô đỡ thôn, buôn; trong đó, Bệnh viện Từ Dũ (TP.Hồ Chí Minh)  đào tạo 99 trường hợp và Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe Sinh sản tỉnh đào tạo 19 người theo chương trình “Giảm tử vong mẹ, giảm tử vong sơ sinh”. Sau khóa học, các cô đỡ thôn, buôn đã giúp không ít trường hợp phụ nữ mang thai ở vùng sâu, vùng xa không kịp đến cơ sở y tế khi chuyển dạ vượt cạn an toàn. Chị H’Yuer Siu, cộng tác viên y tế thôn 8, xã Ea Rốc (Ea Súp) cho biết: “Tôi đã được đào tạo lớp cô đỡ thôn, buôn tại Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe Sinh sản tỉnh vào năm 2010. Tuy thời gian đào tạo chỉ kéo dài trong 6 tháng nhưng tôi đã nắm bắt được các kiến thức và thực hành cơ bản về đỡ đẻ. Sau khi học xong đến nay, tôi đã đỡ đẻ được 3 ca, đối tượng chủ yếu là người dân tộc thiểu số tại thôn sống xa cơ sở y tế”. Tuy nhiên, hạn chế của công tác đào tạo cô đỡ thôn, buôn là chỉ tập trung đào tạo cho một số huyện vùng sâu vùng xa, có tỷ lệ bà mẹ đẻ tại nhà cao như: Ea Súp, Lak, Krông Bông… và đối tượng được đào tạo không hẳn là cộng tác viên y tế thôn, buôn.

Bên cạnh đó, hiện nay, phần lớn cộng tác viên y tế thôn buôn mới được tham gia các lớp tập huấn ngắn hạn (từ vài ngày đến vài tuần) nên hầu hết kiến thức về y tế cũng như các kỹ năng truyền thông, kỹ thuật sơ cứu ban đầu cho người bệnh của nhân viên y tế thôn, buôn còn rất hạn chế. Thậm chí, nhiều cộng tác viên y tế thôn, buôn còn chưa được trang bị đồ dùng, vật dụng hoặc thuốc men cho công việc của mình. Một số cộng tác viên y tế, tuy đã được trang bị đồ dùng liên quan đến công tác tuyên truyền vận động như: sổ tay ghi chép, một số tờ rơi, cân trẻ dưới 30 kg, hoặc túi y tế có 1 số dụng cụ y tế như thước dây, tai nghe, dụng cụ đo huyết áp… song đa phần đồ dùng này đã quá cũ nên nhiều chưa thật sự mang lại hiệu quả cho công việc. Chị Sùng Thị Dua, cộng tác viên y tế thôn Yang Hăn, xã Cư Drăm (Krông Bông) tâm sự: “Mình học xong phổ thông là làm cộng tác viên y tế thôn luôn nên kiến thức về y tế cũng như kỹ năng tuyên truyền chỉ có hạn. Khó nhất là thuyết phục người dân đưa con đi cân và đi tiêm phòng, đặc biệt là nhiều phụ nữ có thai ở cũng không đi tiêm phòng và khám thai vì họ cho rằng từ trước đến nay họ vẫn thế, không cần đi đâu mà vẫn sinh đẻ sòn sòn… Nhiều người trong suốt quá trình mang thai không đi khám, không tiêm và cũng không đẻ tại cơ sở y tế. Nếu mình nắm chắc kiến thức về y tế hơn thì sẽ vận động người dân tốt hơn, mang tính thuyết phục hơn”.

Có thể nói, trang bị kiến thức cho đội ngũ cộng tác viên y tế thôn, buôn thông qua các lớp đào tạo dài hạn là việc làm cần thiết, không chỉ mở mang kiến thức, nâng cao trình độ cho đội ngũ cộng tác viên y tế thôn, buôn về chuyên môn y tế mà còn cung cấp cho các đối tượng này những kỹ năng cần thiết như: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng đặt câu hỏi, truyền đạt thông điệp, kỹ năng lắng nghe, quan sát và kỹ năng sử dụng các tài liệu truyền thông…, tạo tiền đề cho công tác truyền thông trực tiếp tại cộng đồng đạt hiệu quả hơn, giúp người dân nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và ý thức trong việc phòng bệnh…

Hương Xuân

Ý kiến bạn đọc