Multimedia Đọc Báo in

Đẩy mạnh truyền thông phòng, chống bệnh tay - chân - miệng trong cộng đồng

09:03, 19/12/2011

Theo báo cáo của Sở Y tế, toàn tỉnh hiện có 92,9% xã, phường, thị trấn đã ghi nhận bệnh nhân mắc bệnh tay-chân-miệng với 162 ổ dịch. Chỉ tính riêng từ tháng 5 đến đầu tháng 12-2011, số ca mắc tay-chân-miệng tăng 151 lần so với giai đoạn từ 2005 -2010. Các địa phương có số ca mắc bệnh tay-chân-miệng cao so với toàn tỉnh vẫn là TP.Buôn Ma Thuột, các huyện Krông Buk, Cư M’gar, Lak, Cư Kuin…

Hơn 95% số ca mắc là trẻ em dưới 5 tuổi tập trung chủ yếu tại cộng đồng, trong đó có 81% là trẻ dưới 3 tuổi. Nguyên nhân chủ yếu là do người lành mang trùng gây bệnh cho trẻ và do trẻ lành tiếp xúc với trẻ mắc bệnh. Bên cạnh đó, môi trường sống không bảo đảm vệ sinh và nhận thức của người dân về tự phòng chống dịch bệnh còn hạn chế cũng là một trong những yếu tố chủ yếu làm lây lan dịch tay-chân-miệng trên diện rộng. Việc cách ly trẻ  nghi mắc bệnh tại nhà, tại cộng đồng thực hiện chưa đạt hiệu quả do không đủ nhân lực giám sát nên khả năng lây lan ra cộng đồng khó kiểm soát. Một số trường mầm non, mẫu giáo trên địa bàn tỉnh còn tạm bợ, không đáp ứng yêu cầu công tác vệ sinh phòng bệnh (vệ sinh cá nhân, khử khuẩn hằng tuần) chưa đúng quy định của ngành y tế. Công tác xử lý ca bệnh tại cơ sở chưa triệt để, đặc biệt tại các hộ gia đình có bệnh nhân bị bệnh tay-chân-miệng, việc xử lý phân, vệ sinh các vật dụng sinh hoạt… chưa được người dân chưa chú trọng trong khi bệnh tay-chân-miệng hiện chưa có văcxin đặc hiệu điều trị, việc phòng tránh chủ yếu phụ thuộc vào nhận thức và kỹ năng thực hành của người chăm sóc trẻ.

Bệnh nhân đang điều trị bệnh tay - chân - miệng tại khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Bệnh nhân đang điều trị bệnh tay - chân - miệng tại khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Do vậy, đẩy mạnh công tác truyền thông, đặc biệt là truyền thông trực tiếp tại cộng đồng về các biện pháp phòng bệnh tay-chân-miệng cho tất cả các đối tượng là giải pháp quan trọng giúp người dân, nhất là người thường xuyên tiếp xúc với trẻ thay đổi nhận thức, từ đó thực hiện các biện pháp phòng bệnh tay-chân-miệng. Bác sĩ Hoàng Đức Trường, Giám đốc Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe tỉnh cho biết: “Để nâng cao nhận thức cho các đối tượng về các biện pháp phòng chống bệnh tay-chân-miệng, sắp tới Trung tâm sẽ phối hợp với Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh tiếp tục tập huấn, đào tạo lại đội ngũ công tác viên, tuyên truyền viên và tăng cường in số lượng tờ rơi bằng song ngữ tiếng phổ thông và Êđê, sản xuất băng, đĩa bằng tiếng Êđê và phối hợp với các đơn vị liên quan để triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền phòng bệnh tay-chân-miệng trong cộng đồng”. Bác sĩ Cao Minh Toàn, Phó Giám đốc Sở Y tế, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch ngành Y tế khẳng định: “Không chỉ tăng cường công tác điều trị, cung ứng đủ thuốc men, giám sát, xử lý triệt để các ổ dịch, thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh tại hộ gia đình, nhóm trẻ tập trung, nhà trẻ mẫu giáo và tăng cường các đội cơ động chống dịch của tỉnh xuống các điểm có số lượng bệnh nhân tăng để trực tiếp thực hiện, hướng dẫn xử lý…, ngành Y tế tỉnh còn tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng đến người dân, hướng dẫn cho cộng tác viên, tổ dân phố, các tổ chức đoàn thể địa phương cùng phối hợp truyền thông trực tiếp tại các hộ gia đình, nhất là gia đình có trẻ dưới 5 tuổi về các kiến thức và biện pháp phòng chống bệnh tay-chân-miệng để người dân hiểu và tự giác phòng bệnh”.

Hương Xuân


Ý kiến bạn đọc