Multimedia Đọc Báo in

Số ca sốt rét ác tính trên địa bàn tỉnh tăng mạnh: Đâu là nguyên nhân?

17:28, 25/12/2011

Mặc dù từ đầu năm đến hết tháng 10-2011, số ca sốt rét trên địa bàn tỉnh giảm so với cùng kỳ năm 2010, song số ca sốt rét ác tính lại tăng mạnh và tái xuất hiện trường hợp tử vong do sốt rét.

Báo cáo của Trung tâm Phòng chống sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng tỉnh cho thấy, tính từ đầu năm đến hết tháng 10-2011, toàn tỉnh ghi nhận 1.605 trường hợp mắc sốt rét (SR), giảm 8,65% so với cùng kỳ năm 2010, trong đó có 10 trường hợp SR ác tính (tăng 25% so với cùng kỳ năm 2010) và 4 trường hợp tử vong do SR (năm 2010, toàn tỉnh không có ca bệnh tử vong do SR). 7/15 huyện, thị xã, thành phố có ca bệnh SR ác tính, gồm: Buôn Đôn, Ea Súp, Ea H’leo, M’Drak, Ea Kar, Cư Kuin và Cư M’gar. Năm 2011, toàn tỉnh có 2 địa phương là TP. Buôn Ma Thuột và huyện Krông Bông giảm số ca SR ác tính nhưng lại có đến 4 địa phương khác tăng về tỷ lệ này, đó là: Buôn Đôn, Ea H’leo, Ea Kar và Cư M’gar. Qua đó cho thấy, mặc dù năm nay bệnh SR không gây dịch trên địa bàn tỉnh nhưng diễn biến lại khá phức tạp với tỷ lệ bệnh nhân SR ác tính và tử vong do SR tăng cao. Trên thực tế, thời gian qua, ngành Y tế đã tăng cường nhiều biện pháp phòng chống SR và chủ động thực hiện các biện pháp can thiệp ở những vùng có nguy cơ gia tăng SR như: giám sát dịch tễ SR tại các vùng trọng điểm để đánh giá tình hình SR, từ đó áp dụng các biện pháp khống chế nguy cơ SR gia tăng; phun tồn lưu hóa chất, tẩm màn phòng chống véc tơ; giám sát ký sinh trùng SR, duy trì hoạt động của các điểm kính hiển vi; cấp thuốc tự điều trị SR cho dân đi rừng, ngủ rẫy, dân giao lưu biên giới… Hiệu quả của các hoạt động này được thể hiện rất rõ qua tỷ lệ bệnh nhân SR trên địa bàn tỉnh đã giảm đáng kể (152 trường hợp) và số ký sinh trùng sốt rét cũng giảm 3,68% (941/977 trường hợp) so với năm 2010. Thế nhưng, vấn đề đặt ra ở chỗ tỷ lệ bệnh nhân sốt rét thường thì giảm, còn bệnh nhân sốt rét ác tính và tử vong do sốt rét lại gia tăng, vậy nguyên nhân do đâu?(!). Theo nhận định của Trung tâm Phòng chống sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng tỉnh, những nguyên nhân khiến bệnh nhân SR ác tính và tử vong do SR gia tăng là do người dân chưa có ý thức tự bảo vệ khi sống trong vùng SR lưu hành, nhất là tỷ lệ ngủ màn thấp tạo điều kiện thuận lợi cho sự lan truyền bệnh SR; chưa kiểm soát được bệnh SR cho nhóm dân đi rừng, ngủ rẫy, dân di cư tự do; đồng thời, biện pháp cấp thuốc tự điều trị của ngành Y tế chưa hiệu quả, trong khi véc-tơ truyền bệnh chính có xu hướng phục hồi và mầm bệnh (ký sinh trùng SR) vẫn chiếm tỷ lệ cao trong dân; chưa phát hiện và điều trị kịp thời bệnh nhân SR, một số bệnh nhân nhập viện muộn với nhiều biến chứng. Bên cạnh đó, quy luật phát sinh bệnh SR theo chu kỳ 3-5 năm của tỉnh sau quá trình bệnh SR đã giảm cũng được xem là một trong những nguyên nhân khách quan khiến tỷ lệ SR ác tính và tử vong do SR tăng cao trong năm 2011.

Đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức phòng chống SR là một trong những biện pháp quan trọng để tỷ lệ bệnh nhân SR giảm một cách bền vững.
Đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức phòng chống SR là một trong những biện pháp quan trọng để tỷ lệ bệnh nhân SR giảm một cách bền vững.

Qua trao đổi, thạc sĩ Mai Đình Hà, Giám đốc Trung tâm Phòng chống sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng tỉnh cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay đối với công tác phòng chống SR là công tác giám sát, phát hiện điều trị bệnh nhân SR tại tuyến xã còn yếu do nhân lực thiếu và cán bộ chuyên trách phải quản lý nhiều chương trình; một số cơ sở còn lạm dụng thuốc Artesunat lọ điều trị bệnh nhân SR thường, các phòng khám y tế tư nhân chưa thực hiện lấy lam máu xét nghiệm ký sinh trùng SR cho người có sốt tới khám và điều trị nên phần lớn bệnh nhân chưa được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Hơn nữa, việc người dân chủ quan trong phòng chống bệnh, cộng với việc khó kiểm soát được nhóm dân đi rừng ngủ rẫy, dân giao lưu biên giới đã khiến cho việc triển khai hoạt động phòng chống SR gặp những trở ngại nhất định. Chính vì vậy, để đối phó với thực tiễn số ca SR ác tính và tử vong do SR tăng mạnh trong năm 2011, đồng thời tăng cường công tác phòng chống SR trên địa bàn trong thời gian tới, mới đây ngành y tế đã triển khai Hội nghị tăng cường công tác phòng chống SR, trong đó đề cập đến nhiều giải pháp phòng chống SR như: tăng cường giám sát dịch tễ SR tại các vùng trọng điểm để ngăn chặn nguy cơ gia tăng số người mắc SR và hạn chế tử vong SR ở các đối tượng dân di biến động khó kiểm soát; nâng cao chất lượng phun tẩm hóa chất trong chiến dịch phòng chống SR hằng năm để hạn chế sự lan truyền SR theo mùa truyền bệnh; tăng cường kiểm tra giám sát các tuyến bệnh viện có trường hợp tử vong do SR, nâng cao chất lượng điều trị SR ở các vùng trọng điểm, nhất là phát hiện và điều trị sớm SR cho dân đi rừng, ngủ rẫy, dân giao lưu biên giới; đặc biệt là đẩy mạnh truyền thông giáo dục phòng chống SR bằng các phương tiện và hình thức phù hợp ở các vùng trọng điểm SR, vùng sâu vùng xa…

Có thể thấy, công tác tẩm màn chống muỗi, phun hóa chất diệt côn trùng, ký sinh trùng gây bệnh đã được ngành Y tế tiến hành định kỳ, nhất là vào thời điểm giao mùa. Đồng thời, công tác phòng chống SR cũng đang được lồng ghép tuyên truyền cùng với việc thực hiện các chương trình dự án phát triển kinh tế- xã hội. Nhưng để đem lại hiệu quả cao trong phòng chống SR, nhất là hạn chế tỷ lệ SR ác tính và tử vong do SR thì ngoài sự hoạt động tích cực của ngành Y tế, rất cần sự vào cuộc của chính quyền các địa phương, đặc biệt là ý thức phòng chống SR của người dân, nhất là những người nằm trong nhóm có nguy cơ cao.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc