Phòng bệnh hen suyễn trong mùa lạnh
Hen suyễn hay còn gọi là hen phế quản là một bệnh mạn tính của đường hô hấp. Hen kéo dài nhiều năm để lại di chứng bệnh phổi mạn tính có tổn thương tại phế quản, từ những tổn thương này lại kích thích làm cho hen phế quản nặng thêm.
Nguyên nhân bệnh hen khá phức tạp. Theo các chuyên gia về bệnh hen thì có rất nhiều loại có khả năng gây bệnh hen hoặc là gây nguy cơ cao của bệnh hen phế quản. Một điều dễ nhận thấy là mỗi khi thời thiết thay đổi từ nắng ấm sang lạnh, gió mùa đông bắc, áp thấp nhiệt đới, ẩm ướt, cảm lạnh do mặc không đủ ấm thì những người có tiền sử hen phế quản rất dễ tái phát. Ngoài ra, bụi bặm, nấm mốc, khói thuốc, phấn hoa, một số đồ gia vị, hóa chất công nghiệp, một số loại thuốc men như Aspirin, kháng sinh… cũng là nguyên nhân. Bên cạnh đó còn có các nguyên nhân như: stress, thể dục, tình dục, các rối loạn hệ dạ dày ruột…
Khi mắc bệnh hen suyễn, bệnh nhân thường có các biểu hiện như: ho, khó thở, khò khè, thời kỳ đầu có thể khó thở từng cơn có tính chất chu kỳ, đôi khi liên quan đến thời tiết, các chất tiếp xúc… Sau cơn khó thở thường ho, có đờm loãng, nghe phổi có nhiều tiếng rên rít rên ngáy... Trong cơn hen suyễn nghiêm trọng, người bệnh có thể xanh xao vì thiếu ôxy và có thể bị đau ngực hay mất tri giác. Cơn hen suyễn nguy hiểm có thể làm ngừng hô hấp và có thể dẫn đến tử vong. Các biểu hiện này thường xảy ra vào đêm hoặc sáng sớm.
Người mắc hen suyễn vẫn có thể sinh hoạt, lao động, học tập bình thường, chỉ trừ những lúc lên cơn hen. Tuy nhiên, sau khi được điều trị cắt cơn, nhiều bệnh nhân chủ quan tưởng rằng tình trạng hen của mình đã ổn định, do đó tự ý bỏ thuốc và không tái khám. Họ không biết rằng, nếu không được điều trị đúng và đầy đủ thì bệnh hen sẽ diễn tiến từ nhẹ đến nặng, từ ít cơn hen đến nhiều cơn hen trong một khoảng thời gian nhất định. Về lâu dài sẽ gây tàn phế hô hấp và gây mất thời gian, tốn kém tiền bạc, ảnh hưởng đến công việc cũng như sinh hoạt hằng ngày.
Thực tế, căn bệnh này đã khiến cho rất nhiều trẻ em phải nghỉ học dài ngày, ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả học tập, người lớn phải nghỉ làm việc, ảnh hưởng đến năng suất lao động và kinh tế - xã hội. Chưa kể chi phí để nhập viện và điều trị nhiều lần vì bệnh hay tái phát cũng rất tốn kém.
Hiện nay, đã có rất nhiều tiến bộ trong lĩnh vực điều trị hen. Tuy nhiên, tại Việt Nam việc kiểm soát căn bệnh này chưa hiệu quả. Điều đó cho thấy sự nhận thức của người dân nói chung về bệnh hen suyễn còn chưa cao. Để hạn chế các cơn kịch phát của căn bệnh này là các biện pháp dự phòng và điều trị. Đối với bệnh nhân hen suyễn, cần giữ ấm cơ thể, hạn chế tiếp xúc với các nhân tố gây bất lợi cho bệnh tình của mình như len, dạ, bụi, khói thuốc, các chất khử mùi, các loại dầu thơm...; luôn giữ cho nhà cửa thoáng khí, sạch sẽ, tránh bụi bẩn; tránh khói thuốc lá và hạn chế tiếp xúc với phấn hoa; không nên tiếp xúc với vật nuôi trong nhà như chó, mèo, chim....vì lông của chúng có thể làm cho cơn hen nặng lên; cần phơi nắng chăn, gối, đệm mỗi khi có điều kiện; tránh dùng các loại thực phẩm và đồ gia vị làm bùng phát cơn hen suyễn chẳng hạn như: thịt gà, bò, một số loại hải sản....; khi đi ra ngoài cần có khăn che mũi, miệng để tránh khói bụi; tập thể dục đều đặn, uống nhiều nước và cần điều trị dứt điểm chứng dị ứng đường hô hấp theo mùa…
Hồng Vân
Ý kiến bạn đọc