Lo ngại vi rút cúm gia cầm biến chủng lây sang người
Sự biến đổi vi rút H5N1 ở gia cầm trong khi chưa có vắc-xin phòng bệnh đang làm tăng nguy cơ vi rút biến chủng lây từ người sang người.
Chiều 7-2, tại buổi họp Ban chỉ đạo phòng, chống bệnh dịch nguy hiểm và mới nổi, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định: Sau 20 tháng, dịch cúm A/H5N1 đã quay trở lại nước ta. Chính vì vậy, thời gian tới Việt Nam có nguy cơ xuất hiện thêm các trường hợp mắc cúm do tập quán chăn nuôi của người dân, tập quán giết mổ, sử dụng gia cầm, đặc biệt là sử dụng tiết canh. Tuy nhiên, người dân không nên quá hoang mang, lo lắng bởi Bộ Y tế đã có những biện pháp tích cực và kịp thời phòng chống bệnh tại các địa phương đã có dịch cúm A/H5N1 xuất hiện ở người.
Năm 2012, ngành Y tế tập trung công tác phòng chống cúm A/H5N1. Nguyên nhân là do dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm và trên người năm 2011 đến nay, trên thế giới và tại Việt Nam vẫn tiếp tục được ghi nhận nên nguy cơ dịch lan rộng trong các đàn gia cầm và lây nhiễm sang người là rất cao. Đặc biệt, có hiện tượng vi rút cúm A/H5N1 lưu hành trong các đàn thủy cầm tại một số địa phương dưới dạng người lành mang trùng gây khó khăn trong việc giám sát phát hiện sớm và xử lý ổ dịch cúm trên gia cầm. Bên cạnh đó, do thói quen sử dụng các sản phẩm gia cầm và sự thay đổi thường xuyên của chủng vi rút cúm A/H5N1 nên tiềm ẩn nguy cơ lây truyền từ gia cầm sang người cũng như nguy cơ lây truyền từ người sang người rất cao; đồng thời việc nuôi gia cầm xen lẫn với các động vật khác như heo tạo cơ hội cho các vi rút có thể trao đổi gien và đột biến tạo nên chủng vi rút mới. TS Trần Thanh Dương, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, theo thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới, từ đầu năm 2012 đến nay thế giới ghi nhận 6 trường hợp mắc cúm A/H5N1, trong đó có 5 trường hợp tử vong tại Campuchia, Trung Quốc, Ai Cập, Indonesia và Việt Nam. Tại Việt Nam, 2 trường hợp mắc và tử vong do vi rút cúm A/H5N1 là một thanh niên 18 tuổi làm nghề chăn vịt ở Kiên Giang và sản phụ 26 tuổi ở Sóc Trăng đang mang thai 36 tuần, trước đó có tiếp xúc gia cầm bệnh.
Đánh giá về hai trường hợp tử vong do nhiễm cúm A/H5N1, bác sĩ Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) lo ngại, sau gần 2 năm Việt Nam không có ca mắc cúm A/H5N1 nên có thể mọi người lơ là. Cả hai ca tử vong nói trên đều được chẩn đoán và điều trị đặc hiệu cúm khi đã ở giai đoạn muộn, diễn biến nhanh nên dẫn đến tử vong. Còn bác sĩ Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Các bệnh nhiệt đới quốc gia cho rằng, việc phát hiện bệnh sau 3-4 ngày mới nghi ngờ bệnh nhân nhiễm cúm A/H5N1 khiến việc điều trị rất khó có kết quả tốt. Do đó, các cơ sở y tế cần liên tục cập nhật công tác chẩn đoán, điều trị cúm.
PGS-TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, nhận định: Nguồn gốc các ca bệnh cúm vẫn bắt nguồn từ gia cầm. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là vi rút cúm trên gia cầm đã có sự biến đổi. Bộ NT-PTNT đã phát hiện sự phân nhánh vi rút 2.3.2 thành 2 nhóm. Với nhóm cũ, vắc xin cúm tiêm cho gia cầm chỉ đáp ứng 75%, trong khi với nhóm mới vắcxin hiện không có tác dụng, do đó nguy cơ lây lan trong gia cầm và sang người là rất lớn. Ngoài ra, tiến hành xét nghiệm trên các đàn thủy cầm đang nuôi, bán tại nhiều nơi tuy không có biểu hiện bệnh nhưng vẫn mang vi rút H5N1. Sự biến đổi vi rút H5N1 ở gia cầm trong khi chưa có vắc xin phòng bệnh đang làm tăng nguy cơ virus biến chủng lây từ người sang người.
Để chủ động phòng chống cúm gia cầm trên người, Bộ Y tế khuyến cáo, người dân khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương. Trong đó, đặc biệt lưu ý, không vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn. Khi có triệu chứng sốt, ho, khó thở có liên quan đến cúm gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị.
Tổ chức Y tế Thế giới tiếp tục cảnh báo khả năng kết hợp giữa cúm A/H1N1 đại dịch và cúm H5N1 trên người là rất cao, do đó cần giám sát chặt chẽ trên cả gia cầm và người. |
K.O (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc