Multimedia Đọc Báo in

Bộ Y tế khẩn cấp xây dựng phác đồ và nhập thuốc điều trị nhiễm độc chì

10:28, 20/04/2012

Ngày 19-4, Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang cho biết, Bộ vừa yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động y dược học cổ truyền, thu hồi và cấm lưu hành các thuốc nam dạng bột màu nâu, vàng (dân gian gọi là "thuốc cam") không nhãn mác, không nguồn gốc, không số đăng ký.

Đồng thời, Bộ yêu cầu Cục Quản lý khám, chữa bệnh khẩn trương xây dựng phác đồ điều trị ngộ độc chì và lên kế hoạch dự trù với 3 thuốc thải độc chì hiện chưa có tại Việt Nam là BAL, CANA2-EDTA và Succimer. Bộ cũng giao cho các công ty Dược phẩm TW1, TW2 và TW3 là đầu mối khẩn trương nhập khẩu các thuốc này trong vòng 2-3 tuần tới để kịp thời đáp ứng nhu cầu điều trị cho bệnh nhân ngộ độc chì.

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đã xét nghiệm 120 trẻ em có nồng độ chì trong máu rất cao, gấp nhiều lần nồng độ cho phép với đa số trường hợp trên 100 mcg/dl máu (ở Mỹ, nồng độ cho phép khoảng 10mcg/dl máu, ở châu Á là 20mcg/dl máu) sau khi sử dụng loại "thuốc cam" nêu trên để chữa các bệnh nhiệt miệng, tiêu chảy, chống còi cọc… Đáng lưu ý, trong hai tuần qua, trung bình mỗi ngày có từ 30 - 40 trường hợp (đa số là trẻ em) đến trung tâm lấy máu định lượng hàm lượng chì. Nhiều mẫu "thuốc cam" xét nghiệm chứa đến 85% chì.

Theo PGS.TS Bế Hồng Thu, Phó Giám đốc Trung tâm Chống độc, việc sử dụng loại "thuốc cam" không nguồn gốc đó sẽ dẫn đến hậu quả nặng nề về thể chất cũng như trí tuệ của trẻ sau này. Vì thế, người bệnh chỉ nên mua và sử dụng thuốc y học cổ truyền tại các các cơ sở hành nghề đã được cấp phép.

K.O (tổng hợp)
 


Ý kiến bạn đọc