Hướng dẫn rửa tay và khử khuẩn đúng cách để phòng bệnh tay- chân - miệng
Để phòng ngừa bệnh tay-chân-miệng, trước hết cha mẹ, người chăm sóc trẻ tại gia đình, các trường mầm non, mẫu giáo, nhóm trẻ… hằng ngày cần chủ động rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy theo quy trình 6 bước rửa tay của Bộ Y tế:
Thường xuyên lau chùi các bề mặt, vật dụng, đồ chơi… bằng dung dịch hóa chất. |
Bước 1: Làm ướt hai bàn tay bằng nước sạch. Xoa xà phòng vào lòng bàn tay. Chà xát hai lòng bàn tay vào nhau.
Bước 2: Dùng ngón tay và lòng bàn tay này cuốn và xoáy lần lượt từng ngón của bàn tay kia và ngược lại.
Bước 3: Dùng lòng bàn tay này chà xát chéo lên mu bàn tay kia và ngược lại.
Bước 4: Dùng đầu ngón tay của bàn tay này miết vào kẽ giữa các ngón tay của bàn tay kia và ngược lại.
Bước 5: Chụm 5 đầu ngón tay của tay này cọ vào lòng bàn tay kia bằng cách xoay đi, xoay lại.
Bước 6: Xả cho sạch hết xà phòng dưới nguồn nước sạch. Lau khô tay bằng khăn hoặc giấy sạch.
Và lưu ý cần rửa tay nhiều lần trong ngày, đặc biệt là trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn hoặc cho trẻ ăn, trước khi ẵm bế trẻ, sau khi đi vệ sinh và vệ sinh cho trẻ.
Bên cạnh đó, việc vệ sinh ăn uống cũng cần phải được bảo đảm, ăn chín, uống chín, vật dụng ăn uống phải rửa sạch sẽ, khử trùng trước khi sử dụng, nhất là đối với trẻ nhỏ, không nên sử dụng chung thìa, bát, cốc, đĩa…
Thực hiện vệ sinh đồ chơi của trẻ bằng cách ngâm rửa với hóa chất Chloramin B hoặc các chất tẩy rửa thông thường, sau đó rửa lại bằng nước sạch. Lau chùi các vật dụng, bề mặt thường xuyên tiếp xúc, lau chùi sàn nhà bằng nước xà phòng, các chất tẩy rửa thông thường hoặc hóa chất Chloramin B.
Đối với việc khử khuẩn cần thực hiện như sau:
Biện pháp dự phòng khi chưa có người bị bệnh tay-chân-miệng: hằng tuần cần khử khuẩn đồ chơi, các vật dụng, sàn nhà bằng cách pha 1 muỗng cà phê hóa chất Chloramin B trong 1 lít nước. Ngược lại, nếu có trường hợp mắc bệnh tay-chân-miệng cần phải khử khuẩn hằng ngày trong thời gian từ 10 đến 15 ngày và lượng hóa chất Chloramin B phải là 5 muỗng trong 1 lít nước, việc khử khuẩn cần tiến hành ngay sau khi người bệnh vừa sử dụng xong các vật dụng, đồ chơi…
Để khử khuẩn vật dụng, nhà cửa, đồ chơi đúng cách, cần thực hiện các bước sau:
Bước 1: Lau sạch, rửa sạch bụi bẩn trên bề mặt các vật dùng thường xuyên tiếp xúc.
Bước 2: Lau sàn nhà, vật dụng,… bằng hóa chất Chloramin đã pha. Đối với đồ chơi của trẻ ngâm trong dung dịch khử khuẩn đã pha với thời gian từ 10 đến 20 phút.
Bước 3: Lau lại sàn nhà, vật dụng bằng nước sạch. Còn với đồ chơi của trẻ cần rửa lại bằng nước sạch và phơi khô.
Cần lưu ý: Xô lau cần có 2 xô, 1 xô đựng dung dịch chloramin B đã pha và 1 xô đựng nước sạch để xả bẩn. Đối với khăn lau cũng dùng 2 khăn: 1 chiếc dùng để lau khử khuẩn và chiếc còn lại để lau sạch, lau khô các vật dụng vừa được khử khuẩn. Khi dung dịch hoặc nước có màu đục, bẩn thì cần thay dung dịch và nước sạch khác vì dung dịch bẩn không đủ tác dụng để khử khuẩn.
Hương Xuân (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc