Multimedia Đọc Báo in

Phòng ngừa và phát hiện điếc ở trẻ

08:44, 20/04/2012

Thính giác rất quan trọng với mỗi con người trong vấn đề giao tiếp. Việc nghe kém hoặc hoàn toàn không nghe được sẽ ảnh hưởng rất nhiều trong cuộc sống. Những ảnh hưởng này sẽ nặng nề hơn nếu trẻ nghe kém từ lúc nhỏ, nhất là lúc trẻ chưa biết nói. Trẻ không nghe được sẽ không học nói, không đi học được và do vốn kiến thức tiếp thu rất ít nên trí thông minh cũng phát triển kém hơn trẻ nghe bình thường. Các hậu quả sẽ giảm nếu tình trạng điếc được phát hiện sớm và có biện pháp giáo dục để phục hồi chức năng cần thiết.

Nguyên nhân gây điếc ở trẻ có thể do bất thường trong quá trình phát triển của bào thai (mẹ mắc các bệnh do vi rút như cảm cúm, sởi, quai bị, nhất là Rubella hoặc các đường lây truyền qua đường tình dục như giang mai). Hoặc sinh non, nhẹ cân, vàng da, nhiễm trùng tai, viêm màng não, té ngã gây chấn thương sọ não, chấn động bởi âm thanh quá to…Một nguyên nhân nữa cũng được các chuyên gia y tế đề cập là do di truyền.

Ảnh hưởng của nghe kém hoặc điếc đến sự phát triển của trẻ tùy thuộc vào lứa tuổi mắc bệnh. Nếu trẻ bị điếc hoặc nghe kém trong giai đoạn mới sinh thì nhiều khả năng trẻ sẽ không nói được nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Nếu trẻ mắc chứng nghe kém hoặc điếc sau khi đã biết nói thì việc phát hiện sớm giúp trẻ giao tiếp và học hành tốt hơn.

Tổ chức y tế thế giới phân loại điếc như sau: Nếu cách 0,5m chếch ra sau 450 mà: Nghe được tiếng nói thầm là có sức nghe bình thường. Không nghe được tiếng nói thầm là điếc nhẹ. Không nghe được tiếng nói thường là điếc vừa. Không nghe được tiếng nói lớn là điếc nặng. Nếu không nghe được tiếng hét sát tai là điếc sâu.

Để phòng ngừa điếc sớm ở trẻ em, các bác sĩ khuyến cáo nên chích ngừa Rubella cho phụ nữ trong tuổi sinh đẻ, điều trị dứt điểm các bệnh lý đường hô hấp ở trẻ em và tầm soát nghe kém hoặc điếc ở các trẻ có nguy cơ như: Viêm màng não, trẻ sinh non, nhẹ cân, vàng da nặng, ... Đây là những biện pháp giúp phát hiện sớm hoặc ngăn ngừa điếc ở trẻ em.

Nếu trong gia đình có nhiều người bị câm điếc thì nên đưa trẻ đến bệnh viện để kiểm tra độ nghe của trẻ. Bệnh càng phát hiện sớm, khả năng phục hồi càng cao, nhất là dưới 2 tuổi .

Cách phát hiện sớm:

Phát hiện điếc lúc mới sinh: Trẻ bắt đầu ngủ, người thử lần lượt phát ra các âm bằng giọng bình thường a, l, m, x, s cách tai trẻ 50cm nếu trẻ có một trong các biểu hiện mở mắt, chớp mắt, ngọ nguậy tay chân, vặn mình có nghĩa là trẻ nghe được. Nếu trẻ không có phản ứng, nên đưa trẻ tới các bệnh viện chuyên khoa Tai mũi họng để kiểm tra.

Ngoài ra, có thể thử phản ứng nghe của trẻ ngay từ khi trẻ mới được 5 tháng tuổi bằng cách gọi hoặc gây tiếng động xem trẻ có biết quay đầu về hướng phát ra tiếng động hay không. Thông thường, trẻ 5 tháng tuổi đã có thể biết quay đầu về phía có tiếng động. Trẻ 6 tháng tuổi có thể bập bẹ muốn nói. Trẻ 7- 9 tháng cầm được vật gì ở hai tay có thể đập vào nhau để phát ra tiếng động và rất thích các đồ chơi có tiếng động như quả lắc, chuông, trống… Biết phát âm 2 tiếng đơn giản, biết vỗ tay hoan hô. Trẻ 10 - 12 tháng hiểu được lời nói đơn giản, phát được 2 âm khó hơn hoặc nhắc lại được những câu người lớn dạy, có thể trẻ phát âm không rõ. Trẻ 18 – 24 tháng tuổi biết gọi đi tiểu tiện và có thể hát được bài hát ngắn. Vì vậy, nếu nghi ngờ trẻ bị điếc (nhất là trong dòng họ có  người bị câm điếc), cha mẹ nên cho trẻ đi khám thính giác ở chuyên khoa Tai mũi họng để được điều trị sớm. Các bác sĩ sẽ sử dụng dụng cụ đo điếc thích hợp và hiện đại để phát hiện, điều trị chứng nghe kém ở trẻ bằng một phương pháp phù hợp.

 Hồng Vân


Ý kiến bạn đọc