Phòng bệnh cho trẻ mùa nắng nóng
Bước vào tháng 4, tháng 5, thời tiết chuyển sang nắng nóng, nhiệt độ ngoài trời tăng cao, khói bụi trong không khí nhiều, kèm theo những cơn mưa đầu mùa là điều kiện thuận lợi cho tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, vi rút xâm nhập vào cơ thể con người, đặc biệt là ở trẻ em vì sức đề kháng còn yếu. Bên cạnh đó, sự hiếu động của trẻ trong chơi đùa, ăn uống và việc chăm sóc con cái của một số bậc phụ huynh chưa đúng cách khiến cho trẻ dễ mắc bệnh hơn.
Bên cạnh tình hình bệnh tay – chân - miệng chưa có dấu hiệu chững lại thì hiện nay, bệnh nhi nhập viện bởi các bệnh theo mùa cũng tăng lên đáng kể, trong đó chủ yếu là các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa và hô hấp, như:
Tiêu chảy: Nhiệt độ tăng cao khiến thức ăn nhanh bị ôi thiu, vì vậy, khi trẻ ăn phải dễ bị đau bụng và tiêu chảy.
Rối loạn tiêu hóa: Triệu chứng thường thấy là trẻ bị sốt, nôn ói kèm theo thức ăn và nước. Bệnh này xuất hiện do trong quá trình chế biến thức ăn không đảm bảo vệ sinh, đặc biệt là trong môi trường học đường.
Viêm họng, viêm mũi, cảm lạnh: Biểu hiện là trẻ ho, sốt nóng, sổ mũi, thở khò khè… Nguyên nhân chủ yếu là vi rút xâm nhập vào cơ thể do thay đổi thời tiết, độ ẩm trong không khí tăng, môi trường ô nhiễm …
Bệnh tay - chân - miệng: Bệnh này do vi rút gây nên, thường gặp ở trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi. Nếu các biện pháp phòng chống bệnh không tốt rất dễ bị mắc bệnh.
Nhiều bệnh khác cũng xuất hiện khi thời tiết nắng nóng như rôm, sảy gây ngứa ngáy, say nắng, mệt mỏi, chán ăn … khiến trẻ bị sụt cân.
Đa phần đây đều là những bệnh thường gặp do thời tiết và môi trường tác động lên cơ thể trẻ. Tuy nhiên, những bệnh này có thể phòng tránh được nếu người chăm sóc trẻ có cách chăm sóc hợp lý.
Cần giữ vệ sinh sạch sẽ hằng ngày cho trẻ bằng việc tắm rửa và thay quần áo thường xuyên.
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và sau khi chơi đùa.
Không cho trẻ chơi đùa ngoài nắng, ngồi hoặc nằm lâu trước quạt gió. Khi đi ngủ cần mặc quần áo đủ ấm cho trẻ, phòng khi về đêm nhiệt độ hạ thấp.
Chú trọng về vệ sinh an toàn thực phẩm trong chế biến thức ăn cho trẻ. Không cho trẻ ăn thức ăn để qua ngày. Thức ăn trong ngày cần hâm nóng lại trước khi cho trẻ ăn. Không cho trẻ uống nước lạnh hoặc nhiều loại nước ngọt mà thay vào đó là nước sôi để nguội và nước ép trái cây tự chế biến.
Tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch sẽ giúp trẻ có sức đề kháng phòng bệnh.
Nếu trẻ mắc bệnh ở cấp độ nhẹ có thể điều trị tại nhà với sự hướng dẫn của bác sĩ. Nếu tình trạng bệnh không có dấu hiệu thuyên giảm trong vài ngày tiếp theo thì cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời, tránh xảy ra những biến chứng nguy hiểm.
Thu Huế
Ý kiến bạn đọc