Multimedia Đọc Báo in

Thực hiện lộ trình xây dựng Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đạt chuẩn quốc gia vào năm 2014: Cái khó vẫn là nguồn nhân lực

08:43, 18/05/2012

Xây dựng, phát triển Trung tâm Y tế dự phòng (YTDP) tuyến tỉnh đáp ứng nhu cầu phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân theo đúng nội dung chuẩn quốc gia là mục tiêu ngành Y tế tỉnh đề ra và phấn đấu hoàn thành vào năm 2014. Song, trong bối cảnh hiện nay còn nhiều khó khăn liệu có ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu? Bác sĩ PHẠM VĂN LÀO, Giám đốc Trung tâm YTDP tỉnh chia sẻ với Báo Dak Lak về vấn đề này.

*Bác sĩ có thể cho biết về mục tiêu xây dựng chuẩn quốc gia Trung tâm y tế dự phòng tỉnh?

So với yêu cầu nhiệm vụ và nhu cầu phát triển trong tình hình mới, hoạt động YTDP trên địa bàn còn nhiều khó khăn, hạn chế so với “Chuẩn quốc gia về Trung tâm YTDP tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương” đã được Bộ Y tế ban hành. Vì vậy, từ đầu năm 2011 Sở Y tế đã xây dựng “Đề án thực hiện chuẩn quốc gia Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh giai đoạn 2011-2015” trình UBND tỉnh. Đề án là bước cụ thể hóa các nội dung hoạt động YTDP của tỉnh thông qua đánh giá thực trạng so với chuẩn, trên cơ sở đó có đề xuất về quy hoạch, phát triển hệ thống YTDP tỉnh, góp phần thực hiện “Chiến lược Quốc gia YTDP Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Mục tiêu của Đề án là phấn đấu đến năm 2014 sẽ đạt chuẩn quốc gia về YTDP tuyến tỉnh, sau đó tiến dần đến chuẩn quốc gia về YTDP tuyến huyện. Cụ thể, đến năm 2014, Trung tâm YTDP tỉnh có đủ cơ sở hạ tầng, trang thiết bị thiết yếu và chuyên dụng theo chuẩn, đáp ứng việc triển khai các hoạt động chuyên môn theo quy định; trên 90% cán bộ Trung tâm được đào tạo, tập huấn thường xuyên và nâng cao chuyên môn về YTDP; đạt yêu cầu về chủng loại cán bộ (30% cán bộ là bác sĩ, trên 20% cán bộ xét nghiệm là kỹ thuật viên).

*Đến thời điểm này, những hoạt động để hiện thực hóa mục tiêu nói trên đã được triển khai như thế nào, thưa bác sĩ?

Ngoài những mặt mạnh về kế hoạch tài chính, đào tạo, nghiên cứu khoa học và chỉ đạo tuyến; hoạt động kiểm soát bệnh truyền nhiễm hay hoạt động dinh dưỡng cộng đồng và an toàn vệ sinh thực phẩm… được đánh giá đạt từ 80-90% so với chuẩn của Bộ Y tế đề ra, Trung tâm YTDP cũng đã có phương án đầu tư nâng cấp chuẩn còn thấp với kinh phí đầu tư từ 15-20 tỷ đồng. Cụ thể, Trung tâm đang triển khai dự án nâng cấp phòng xét nghiệm đạt tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2005 (tiêu chuẩn quốc tế quy định các yêu cầu nhằm đảm bảo năng lực của phòng thử nghiệm), dự kiến đến cuối năm 2012 sẽ hoàn thành. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng triển khai đề án xây dựng khối khám, tư vấn sức khỏe, khám bệnh nghề nghiệp và chỉ đạo tuyến với diện tích xây dựng khoảng 500m2; đồng thời có kế hoạch tuyển thêm nhân lực, bổ sung, nâng cấp thiết bị hiện có và mua sắm thêm một số trang thiết bị còn thiếu, dự kiến sẽ hoàn thành vào đầu năm 2014.

*Theo bác sĩ, khó khăn lớn nhất trong quá trình triển khai xây dựng chuẩn quốc gia Trung tâm YTDP của tỉnh ta là gì?

Có thể nói, Dak Lak là một tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, trong khi quy mô dân số tiếp tục gia tăng, quá trình công nghiệp hóa kéo theo sự thay đổi về mô hình bệnh tật, một số bệnh không nhiễm trùng, bệnh xã hội có xu hướng gia tăng cả về tỷ lệ mắc và tử vong như: tim mạch, ung thư, đái tháo đường, tâm thần và các nhóm bệnh do ngộ độc, tai nạn thương tích. Ngoài ra, các bệnh truyền nhiễm gây dịch nguy hiểm có xu hướng diễn biến phức tạp, các vấn đề ô nhiễm môi trường, mất an toàn trong thực phẩm… đang là mối nguy cơ đe dọa cộng đồng. Chính vì vậy, việc xây dựng Trung tâm YTDP tỉnh đạt chuẩn quốc gia sẽ gặp rất nhiều khó khăn và thách thức, nhưng nếu xây dựng thành công sẽ góp phần nâng cao năng lực của ngành y tế nói chung và lĩnh vực YTDP nói riêng đáp ứng được nhu cầu trong tình hình mới. Điều kiện tiên quyết là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó phải bảo đảm đủ số cán bộ theo tiêu chuẩn đề ra, nhưng trên thực tế bác sĩ ra trường rất ngại về làm việc tại các trung tâm YTDP, nguyên nhân chủ yếu là do chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng, lại không có điều kiện làm thêm tăng thu nhập. Một dẫn chứng cụ thể, chỉ tiêu biên chế của Trung tâm được giao là 71 người, song số cán bộ, y bác sĩ hiện có 60 người, còn thiếu 11 người chủ yếu là bác sĩ. Đã 5 năm nay Trung tâm không tuyển dụng được một bác sĩ nào, tính riêng năm 2012 này Trung tâm có thông báo tuyển dụng 8 bác sĩ, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa thấy hồ sơ nào đăng ký. Việc thiếu nhân lực có trình độ chuyên môn đang là thách thức không nhỏ đối với Trung tâm trong quá trình vươn lên đạt chuẩn quốc gia, bởi theo Thông tư liên tịch số 08 của liên bộ Y tế - Nội vụ, đến năm 2014 định biên của Trung tâm phải đạt 84 người. Do đó, để tháo gỡ được khó khăn này, theo tôi bên cạnh những chế độ chung của Nhà nước, tỉnh cần có thêm chính sách đãi ngộ riêng để thu hút nhân lực cho YTDP.

*Xin cảm ơn bác sĩ!

10 chuẩn quốc gia về Trung tâm YTDP tỉnh theo quy định của Bộ Y tế gồm: tổ chức bộ máy và nhân lực; cơ sở hạ tầng; trang thiết bị; kế hoạch tài chính, đào tạo, nghiên cứu khoa học và chỉ đạo tuyến; hoạt động kiểm soát bệnh truyền nhiễm; hoạt động dinh dưỡng cộng đồng và an toàn vệ sinh thực phẩm; hoạt động sức khỏe môi trường và sức khỏe trường học; hoạt động sức khỏe nghề nghiệp - phòng chống tai nạn thương tích; hoạt động phòng chống sốt rét, ký sinh trùng, nội tiết, rối loạn chuyển hóa; hoạt động xét nghiệm.

Kim Oanh (thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.