Multimedia Đọc Báo in

Những điều cần biết về bệnh lao

09:21, 06/06/2012

Theo thống kê, hiện Việt Nam xếp thứ 12/22 nước có số bệnh nhân lao nhiều nhất thế giới, xếp thứ 14/27 nước có gánh nặng bệnh nhân lao đa kháng thuốc cao trên toàn cầu. Mỗi năm có tới 200.000 bệnh nhân mắc lao, trong đó số người tử vong do lao là 30.000 người/năm. Trên địa bàn tỉnh ta, riêng 3 tháng đầu năm 2012 có 220 trường hợp mắc bệnh lao, trong đó phát hiện mới là 134 người.

Bệnh lao do trực khuẩn lao gây ra. Bệnh lao không phải là bệnh truyền nhiễm mà là bệnh lây qua đường hô hấp.

Đường lây bệnh:

Khi người mắc bệnh nói chuyện, hắt hơi, ho, khạc nhổ bừa bãi... vi trùng sẽ bắn theo ra ngoài môi trường không khí, người lành hít phải sẽ mắc bệnh. Khi phát hiện mắc bệnh cần phải sống cách ly, riêng biệt ở phòng thông thoáng. Dùng riêng đồ dùng cá nhân như: Chăn, màn, chén bát... Đồ dùng cần được thay giặt, rửa sạch và phơi nắng. Tuy nhiên, chỉ cần sau 2-3 tuần điều trị thuốc lao đầy đủ, khả năng lây bệnh sẽ giảm đi và chỉ khoảng 5-10% những người nhiễm vi trùng lao, khi sức đề kháng của cơ thể yếu đi, hệ miễn dịch kém, vi khuẩn lao hoạt động thì mới mắc bệnh, còn tới 90-95% những người bị nhiễm vi trùng lao nhưng cả đời không bị mắc bệnh lao do cơ thể có sức đề kháng tốt, có khả năng chống lại vi khuẩn, ngăn không cho chúng sinh sản.

Bệnh lao có những biểu hiện như:

- Bệnh nhân thấy đau, tức ngực.

- Ho dai dẳng trên 2 tuần, khó thở hoặc ho ra máu.

- Cơ thể mệt mỏi, ra mồ hôi trộm, sốt nhẹ về chiều

- Sụt cân, ăn uống kém

Phương pháp phòng và điều trị:

- Bệnh lao nếu được điều trị đúng phác đồ sẽ khỏi hẳn.

- Khi phát hiện mắc bệnh lao, bệnh nhân phải được điều trị theo đúng phác đồ.

- Uống thuốc đều đặn hằng ngày, đúng giờ, đủ thời gian (từ 6-8 tháng)

- Thuốc điều trị lao được cấp miễn phí.

- Cách phòng bệnh lao tốt nhất trong cộng đồng là phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời, đúng phác đồ thì bệnh sẽ khỏi.

Đối với cá nhân:

Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, luyện tập thể dục, thể thao thường xuyên, nhằm tăng sức đề kháng cho cơ thể.

Phơi quần, áo, chăn màn dưới ánh nắng mặt trời hằng ngày.

Không khạc nhổ bừa bãi.

Không làm việc quá sức, không uống rượu, bia quá nhiều, không hút thuốc lá.

Thực hiện các biện pháp phòng tránh lây nhiễm HIV.

Tiêm BCG phòng bệnh lao cho trẻ sơ sinh và trẻ dưới 1 tuổi.

Để phòng bệnh lao tốt, cần phát hiện bệnh sớm, điều trị đúng phác đồ, tránh bỏ dở liệu trình điều trị, làm cho vi khuẩn lao kháng thuốc, khó điều trị, bệnh không đỡ mà tạo nguồn lây cho nhiều người.

  Hồng Vân


Ý kiến bạn đọc