Bệnh sốt rét khu vực miền Trung-Tây Nguyên giảm nhưng không bền
Tình hình dịch bệnh sốt rét ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên thời gian qua đã giảm nhưng vẫn không bền vững và tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát.
Theo Viện sốt rét và ký sinh trùng-côn trùng Quy Nhơn, trong tháng 10 năm 2012, các trường hợp mắc mới bệnh này ở nhiều địa phương thuộc khu vực miền Trung-Tây Nguyên có xu hướng giảm so với các tháng trước, mặc dù các tỉnh miền Trung đang là mùa mưa đồng thời cũng là mùa truyền bệnh sốt rét. Đây cũng là điểm khác biệt về khí hậu, thời tiết và diễn biến tình hình bệnh sốt rét so với những năm trước đây. Thống kê cho thấy, trong tháng 10 năm 2012, các chỉ số như bệnh nhân sốt rét, sốt rét ác tính, tử vong sốt rét có xu hướng giảm, chỉ có chỉ số ký sinh trùng sốt rét vẫn gia tăng. So với cùng thời điểm năm 2011, thì tại khu vực miền Trung-Tây Nguyên tháng 10 năm 2012 bệnh nhân sốt rét giảm 10%, sốt rét ác tính giảm 42%, tử vong do sốt rét giảm 100%, ký sinh trùng sốt rét tăng 5%.
Theo Phó giáo sư Triệu Nguyên Trung, Viện sốt rét và ký sinh trùng-côn trùng Quy Nhơn, mặc dù sốt rét có xu hướng giảm chung trên toàn khu vực, nhưng cục bộ tại một số địa phương tình hình sốt rét vẫn chưa được cải thiện. Qua đánh giá diễn biến tình hình sốt rét khu vực miền Trung-Tây Nguyên trong 9 tháng đầu năm cũng như tháng 10 năm 2012 cho thấy tình hình sốt rét không ổn định, kết quả giảm sốt rét không mang tính bền vững và chịu sự chi phối của biến đổi khí hậu, thời tiết trong năm. Các ca nhiễm bệnh sốt rét tập trung chủ yếu ở dân di biến động khó kiểm soát (dân đi rừng, ngủ rẫy, di cư tự do, giao lưu biên giới). Các trường hợp tử vong vẫn là do phát hiện muộn và điều trị muộn. Chỉ số bệnh nhân sốt rét gia tăng và lưu hành vẫn là mối nguy cơ lớn, vì đây là yếu tố tác nhân gây bệnh cùng với yếu tố trung gian truyền bệnh (muỗi sốt rét) tồn tại ở hầu khắp các vùng sẽ duy trì lan truyền tự nhiên sốt rét và có thể bùng phát thành dịch bất cứ lúc nào nếu không được kiểm soát chặt chẽ.
K.O (nguồn website ĐCSVN)
Ý kiến bạn đọc