Dinh dưỡng cho người bệnh đái tháo đường
Bệnh đái tháo đường (hay còn gọi là bệnh tiểu đường) là một bệnh mạn tính không lây. Bệnh xuất hiện khi cơ thể không sản xuất đủ insulin (hoóc môn tuyến tụy) hoặc insulin hoạt động không hiệu quả. Bình thường thức ăn vào cơ thể sẽ được chuyển thành đường glucose; insulin có tác dụng giúp vận chuyển đường glucose từ máu vào các tế bào để tạo năng lượng. Trong bệnh đái tháo đường glucose không được đưa vào các tế bào mà vẫn tồn tại trong máu làm cho nồng độ đường máu cao.
Bệnh đái tháo đường có ba triệu chứng đặc trưng là ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, ngoài ra còn một số triệu chứng khác như giảm cân, giảm thị lực, ngứa, mệt mỏi… Bệnh nhân không phải có đầy đủ các triệu chứng trên, đôi khi chỉ một hay hai triệu chứng.
Dinh dưỡng rất quan trọng trong chăm sóc và điều trị bệnh đái tháo đường. Điều trị bằng dinh dưỡng giúp đạt và kiểm soát lượng đường trong máu. Đối với người mắc bệnh đái tháo đường cần tuân thủ các nguyên tắc về dinh dưỡng sau:
- Mỗi loại thực phẩm chứa một số chất dinh dưỡng khác nhau và không có một thực phẩm nào chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho nhu cầu con người. Do đó không thể ăn một loại thực phẩm duy nhất được mà cần phải ăn phối hợp nhiều loại thực phẩm với nhau, không nên kiêng khem quá mức hay nhịn ăn vì có thể dẫn đến suy dinh dưỡng. Bữa ăn cần phải có mặt đại diện của 4 nhóm thực phẩm:
+ Nhóm bột, đường, gồm: gạo tẻ, gạo nếp, ăn khoảng 200-300g/ ngày tương đương với 4 bát cơm; khoai, sắn ăn từ 200-400g/ngày. Hạn chế ăn khoai tây, miến dong, bánh mì… các loại thực phẩm này làm tăng nhanh đường huyết. Cũng nên hạn chế sử dụng bánh, kẹo, mật ong trừ khi bị hạ đường huyết.
+ Nhóm chất đạm, gồm: thịt, trứng, cá, sữa và các chế phẩm của chúng. Với bệnh nhân thừa cân nên ăn thịt nạc, thịt gà không ăn da. Nên ăn các loại đạm thực vật như đậu phụ (150-200g/ngày), sữa đậu nành không đường (200-400g/ngày). Đối với sữa và các chế phẩm của sữa, bệnh nhân đái tháo đường chỉ nên dùng loại không có đường hoặc sữa dành riêng cho người đái tháo đường.
+ Nhóm chất béo, gồm: dầu, mỡ, các loại hạt có dầu. Nên ăn dầu thực vật, một ngày ăn khoảng 10-20g dầu đậu nành, dầu vừng, dầu ô liu. Hạn chế dùng mỡ động vật, óc, nội tạng, đồ hộp.
+ Nhóm chất khoáng và vitamin, gồm: rau, củ và trái cây các loại.
- Nên ăn đúng bữa trong ngày (sáng, trưa, chiều); không nên ăn nhiều bữa nhỏ; không nên bỏ bữa rồi sau đó ăn bù. Tránh tối đa việc ăn khuya vì rất dễ làm tăng đường huyết.
- Không thể có một chế độ ăn áp dụng chung cho mọi người, mỗi cá nhân có một chế độ ăn riêng tùy thuộc vào cân nặng, giới tính, nghề nghiệp, thói quen, sở thích… Dựa trên sự tư vấn của chuyên gia dinh dưỡng, bệnh nhân đái tháo đường có thể xây dựng khẩu phần ăn hợp lý cho mình.
Hồng Vân
Ý kiến bạn đọc