Phòng bệnh viêm họng trong mùa lạnh
Họng là cửa ngõ của đường ăn và đường hô hấp, tiếp xúc thường xuyên với các tác nhân gây bệnh từ không khí, thức ăn, nước uống nên dễ xảy ra bị viêm. Nếu không được điều trị kịp thời, viêm họng mạn tính sẽ có nguy cơ biến chứng dẫn đến nhiều bệnh khác.
Bệnh viêm họng cấp tính:
Thời tiết ẩm, lạnh là nguyên nhân khiến liên cầu khuẩn phát triển gây viêm họng. Bệnh viêm họng cấp tính có nhiều loại, nhưng thường gặp nhất là viêm họng đỏ. Bệnh rất dễ lây truyền qua đường hô hấp vào mùa lạnh.
Khi bị viêm họng cấp tính bệnh nhân đột ngột sốt cao 39-400C, ớn lạnh, nhức đầu, kèm theo đau rát họng, nuốt đau, cảm giác vướng ở cổ khiến bệnh nhân khạc, nhổ nhiều, khô cổ, khát nước. Ngoài ra, bệnh nhân có thể bị đau nhức thân thể, giọng nói có thể bị mất độ trong, niêm mạc họng đỏ, sụt sịt, tắc mũi và chảy nước mũi. Bệnh kéo dài từ 3-7 ngày rồi tự khỏi, nhiệt độ cơ thể giảm nhanh và các triệu chứng như nhức đầu, sổ mũi, đau họng cũng giảm dần. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp bội nhiễm, đôi khi gây biến chứng viêm tai giữa, viêm xoang…
Ở trẻ em khi bị viêm họng cấp ngoài những biến chứng kể trên còn có thể bị bệnh thấp tim do liên cầu khuẩn gây viêm họng kích thích cơ thể sản xuất ra các kháng thể gây ảnh hưởng đến tim, khớp, thần kinh.
Bệnh chủ yếu điều trị triệu chứng và tăng cường sức đề kháng của cơ thể như các thuốc giảm đau hạ nhiệt, bổ sung các vitamin B, C. Trường hợp có dấu hiệu bội nhiễm thì bắt buộc phải sử dụng kháng sinh phù hợp, đủ liều từ 5-7 ngày.
Để phòng bệnh viêm họng chủ yếu là giữ ấm cơ thể, nhất là giữ ấm cổ, ngực, gan bàn chân; tăng cường sức đề kháng cho cơ thể bằng việc ăn đủ chất; vệ sinh răng miệng sạch sẽ; nên mang khẩu trang khi tiếp xúc với môi trường bụi bặm, khói thuốc…; tránh ăn uống những thức ăn, nước uống quá lạnh. Nên súc miệng thường xuyên bằng nước muối loãng và dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.
Viêm họng mạn tính:
Là tình trạng phản ứng của viêm mạc họng đối với tình trạng viêm nhiễm họng kéo dài. Trời lạnh càng làm cho bệnh trở nên dai dẳng.
Nguyên nhân gây bệnh thường là do các yếu tố kích thích niêm mạc họng lâu dài như viêm mũi - xoang mạn tính; viêm amidan; viêm V.A mạn tính; kích thích bởi hóa chất, bụi, khói thuốc lá, rượu, acid dạ dày trào ngược…
Ngoài những triệu chứng như đau rát họng, nuốt khó, ho nhiều vào ban đêm, họng còn tiết ra nhiều chất nhầy dẫn đến khạc nhổ thường xuyên…
Muốn phòng bệnh, ngoài việc điều trị căn nguyên còn phải kiêng thuốc lá, rượu, ăn uống điều độ; hạn chế tiếp xúc một số yếu tố kích thích như bụi, hóa chất, không khí quá khô, quá nóng, quá lạnh… Đối với trẻ nhỏ thì phải kiểm tra nếu bị viêm V.A nên có biện pháp điều trị sớm.
Hồng Vân
Ý kiến bạn đọc