Multimedia Đọc Báo in

Phòng tránh ngộ độc rượu, bia trong dịp Tết

09:55, 30/01/2013

Việc uống nhiều rượu, bia có ảnh hưởng đến sức khỏe, nếu uống nhiều một lúc có thể gây ra tình trạng nghiêm trọng là say và ngộ độc rượu, bia.

Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), năm 2012, tình hình ngộ độc thực phẩm, cụ thể là ngộ độc rượu do sử dụng rượu tự nấu, pha chế, ngâm, ủ có lượng cồn quá ngưỡng cho phép diễn biến rất phức tạp. So với năm 2011, số người mắc và số tử vong năm 2012 tăng 15 vụ (chiếm 18,8%), số mắc tăng 643 người, số đi viện tăng 308 người và số tử vong tăng 3 trường hợp.

Trong rượu, bia thường có chứa ethanol, tuy được dùng để pha chế đồ uống giải khát nhưng bản thân ethanol cũng là chất có thể gây độc hại cho con người. Ethanol ức chế làm suy yếu hệ thần kinh trung ương, gây giảm hoạt tính các nơron thần kinh. Vì thế nếu uống nhiều rượu sẽ dẫn đến say, nghiện và gây ra nhiều tác hại cho sức khỏe. Ngộ độc ethanol có thể cấp tính hoặc mạn tính, phụ thuộc vào số lượng rượu người đó thường xuyên uống. Ngay sau khi uống rượu, 20% lượng rượu được hấp thụ ngay tại dạ dày và 80% còn lại được hấp thụ ở ruột. Sau khi uống vài phút rượu đã đi vào máu và sau vài giờ nồng độ cồn trong máu sẽ lên đến cực đại có thể dẫn đến ngộ độc từ nhẹ đến nặng tùy theo số lượng rượu, chủng loại rượu và cơ địa người sử dụng. Nguy hiểm hơn và thường dẫn đến chết người là khi uống rượu có chứa methanol, một chất cồn công nghiệp. Nhiều cơ sở sản xuất, để hạ giá thành đã pha cồn công nghiệp vào rượu để bán cho người tiêu dùng.

Những biểu hiện thường thấy đối với trường hợp bị ngộ độc do uống rượu, bia: Khả năng vận động, tự chủ giảm hoặc mất như: sau khi uống quá nhiều sẽ không đi lại được, ngồi không vững, không cầm nắm được các vật dụng (bát, đũa,…), nói líu lưỡi, nôn mửa, thậm chí còn bị hôn mê, mất các phản xạ, gọi hỏi không hề biết gì (thường gặp ở người uống rượu, bia lần đầu hoặc rất ít uống nhưng lần này lại uống quá nhiều). Nếu bị ngộ độc nặng có thể nguy hiểm tới tính mạng, đặc biệt là đối với những người cao tuổi, người mắc bệnh tim mạch, cao huyết áp… có thể gây tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim. Ngoài việc mất hoặc giảm các phản xạ, khả năng vận động, người say rượu, bia còn dễ bị viêm phổi do lạnh, sặc các chất trong lúc nôn mửa gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

Để bảo vệ sức khỏe cho bản thân mình, cho gia đình, mỗi người hãy là người tiêu dùng thông thái trong việc lựa chọn, sử dụng rượu, bia; chỉ nên mua và sử dụng các loại rượu, bia có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, những cơ sở uy tín, quen biết. Đặc biệt, trong những ngày họp mặt, sum vầy bên mâm cỗ cùng gia đình và bạn bè chỉ nên uống rượu, bia với số lượng vừa phải (tùy vào sức khỏe, công việc của bản thân), nhất là đối với những người mắc bệnh tiểu đường, cao huyết áp, tim mạch... Không nên uống khi bụng còn đói; không pha hoặc uống rượu chung với các loại nước giải khát có gas vì dễ say hơn và rất có hại cho dạ dày. Ngoài ra, cũng cần lưu ý trong khi uống rượu, bia vẫn phải ăn cơm và thức ăn khác nhằm tránh tình trạng cảm lạnh do đói, rét. Không nên tắm ngay sau khi uống rượu, bia. Biết dừng đúng lúc khi uống rượu, bia, không nên để xảy ra tình trạng vui quá đâm quá chén mà ngày xuân gặp những điều không vui.

Khi người thân bị say rượu, bia cần tìm, biện pháp xử trí là cần tìm cách để người say nôn hết đồ ăn, uống ra ngoài nếu thấy người say có cảm giác nôn nao, muốn nôn. Theo kinh nghiệm dân gian có thể cho người say rượu, bia uống một cốc nước chanh, nước mía... Đặt người say rượu, bia nằm nơi thoáng, mát (tránh nằm nơi có gió). Nếu có dấu hiệu bất thường liên quan đến uống rượu cần đến ngay cơ sở y tế để được kiểm tra phát hiện nguyên nhân và xử lý kịp thời.

Hồng Vân 


Ý kiến bạn đọc