Thực hiện Đề án 1816 ở Bệnh viện Đa khoa M’Drak: Tăng cường năng lực cho y tế cơ sở
Sau gần 5 năm triển khai Đề án “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh” theo Quyết định số 1816 ngày 26-5-2008 của Bộ trưởng Bộ Y tế (gọi tắt là Đề án 1816), Bệnh viện Đa khoa M’Drak đã và đang phát huy được hiệu quả trong việc đào tạo nguồn nhân lực y tế, từng bước nâng cao chất lượng y tế cơ sở.
![]() |
Khám chữa bệnh ở một trạm y tế xã vùng sâu huyện Krông Bông. (Ảnh minh họa) |
Theo bác sĩ Nguyễn Quang Thừa, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) M’Drak, Đề án 1816 là một trong những bước đột phá của ngành Y tế giúp các tuyến nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, giảm tình trạng quá tải cho tuyến trên, chuyển giao công nghệ, đào tạo nâng cao tay nghề cho cán bộ tại chỗ. Chỉ tính riêng năm 2012, BV đã tiếp nhận 8 lượt cán bộ, y bác sĩ của BVĐK tuyến tỉnh về hỗ trợ trực tiếp tham gia khám, chữa bệnh, điều trị và chuyển giao một số kỹ thuật như: đóng đinh khớp đùi, cắt lách cấp cứu, kết hợp xương bằng nẹp vít… Qua đó giúp cán bộ, y bác sĩ trong BV nâng cao tay nghề, tiếp thu tác phong làm việc khoa học, tự tin hơn cả trong công việc chuyên môn lẫn giao tiếp, ứng xử với người bệnh.
Cùng với hoạt động tiếp nhận các kỹ thuật mới, kỹ thuật khó từ tuyến trên chuyển giao, những năm qua, BVĐK M’Drak còn cử cán bộ, y bác sĩ về hỗ trợ cho các trạm y tế xã theo Đề án 1816. Sau gần 5 năm thực hiện, đến nay 100% trạm y tế xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều nhận được sự hỗ trợ chuyên môn từ BVĐK huyện. Trong thời gian về hỗ trợ, các cán bộ y bác sĩ tuyến huyện đã giúp cán bộ trạm y tế xã nâng cao chất lượng khám, điều trị, làm bệnh án, kê đơn thuốc; thực hiện các chương trình mục tiêu y tế quốc gia; tuyên truyền, giám sát, phòng chống dịch tại cơ sở… Một nhiệm vụ đạt hiệu quả nhất đó là các cán bộ, bác sĩ tuyến huyện đã đào tạo, chuyển giao kỹ thuật và đưa dịch vụ kỹ thuật cao đến với người dân; tham gia khám, chữa bệnh, cấp cứu, cứu chữa bệnh nhân kịp thời, giảm mức độ bệnh, giảm số bệnh nhân chuyển tuyến và tiết kiệm được chi phí đi lại, ăn ở khám chữa bệnh cho nhân dân. Có thể thấy, mỗi chuyến đi hỗ trợ tuyến xã chỉ vỏn vẹn 3 tháng nhưng hiệu quả mà các y bác sĩ BVĐK M’Drak đem lại cho tuyến dưới lại rất lớn. Đó không chỉ là việc hỗ trợ nghiệp vụ chuyên môn mà còn là sự truyền đạt kinh nghiệm trong nghề nghiệp giúp cán bộ y tế tuyến xã có thêm kỹ năng, giúp người dân địa phương tiếp cận được với dịch vụ y tế hiện đại ngay tại địa bàn. Đặc biệt, hoạt động này đã góp phần rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, tạo cho người dân sự tin tưởng khi đến khám chữa bệnh ở trạm y tế xã.
Rõ ràng với các địa phương vùng sâu vùng xa như M’Drak, Đề án 1816 càng phát huy tính ưu việt trong việc giảm bớt sự cách biệt về trình độ chuyên môn giữa cán bộ tuyến huyện và tuyến xã, nhất là với những xã khó khăn. Tuy nhiên, để hiệu quả thiết thực của Đề án được duy trì lâu dài, theo bác sĩ Nguyễn Quang Thừa thì việc tăng cường đầu tư, nâng cấp trang thiết bị cho tuyến xã là hết sức cần thiết, bởi nó giúp người thầy thuốc có cơ hội làm việc đạt hiệu quả tốt, tạo sự an tâm và hài lòng cho người bệnh.
Khánh Duy
Ý kiến bạn đọc