Nhận biết và phòng ngừa sốt vi rút
Cùng với các bệnh truyền nhiễm do vi rút khác như: tiêu chảy, thủy đậu... ảnh hưởng đến sức khỏe của mọi người thì sốt do vi rút cũng là một trong những nguyên nhân khiến các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh trong thời gian gần đây tăng số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh, nhất là trẻ em. Để giúp mỗi cá nhân, gia đình nâng cao sự hiểu biết, dưới đây là một số thông tin về bệnh:
Các dấu hiệu nhận biết khi bị sốt vi rút:
1. Sốt cao: Khi bị nhiễm vi rút, 1-2 ngày đầu người bệnh thường không có triệu chứng gì nhưng sau đó bệnh nhân sẽ sốt cao 39-40 độ C, thậm chí 40-41 độ C; người mệt mỏi, sổ mũi, đau họng, li bì, miệng khô... Đối với trẻ nhỏ: mệt mỏi và ít đáp ứng với các loại thuốc hạ sốt thông thường như paracetamol, có thể trẻ quấy khóc, đau mình mẩy…
2. Viêm long đường hô hấp: Các biểu hiện viêm long đường hô hấp như ho, hắt hơi, chảy nước mũi…
3. Rối loạn tiêu hóa: Thường xuất hiện sớm nếu nguyên nhân gây sốt do vi rút đường tiêu hóa, cũng có thể xuất hiện muộn hơn sau khi sốt với đặc điểm là phân lỏng, không có máu, chất nhầy.
4. Viêm hạch: Hạch ở vùng đầu, cổ thường sưng to, đau có thể nhìn hoặc sờ thấy.
5. Phát ban: Thường xuất hiện 2-3 ngày sau khi sốt, khi xuất hiện ban thì sẽ đỡ sốt.
6. Viêm kết mạc mắt: Kết mạc mắt có thể đỏ, có gèn mắt, chảy nước mắt.
Hiện nay, trên thế giới và Việt Nam đều chưa có thuốc điều trị đặc hiệu các loại vi rút gây bệnh, chủ yếu là điều trị triệu chứng. Cách xử trí hợp lý nhất là cặp nhiệt độ để theo dõi thân nhiệt thường xuyên. Dùng thuốc hạ sốt như paracetamol hoặc aspirin hoặc chườm mát để hạ nhiệt (không được chườm mát bằng nước lạnh mà nên chườm bằng nước ấm) và giảm đau.
Giữ gìn vệ sinh răng miệng để tránh bội nhiễm gây viêm họng, viêm niêm mạc miệng, lưỡi. Vệ sinh thân thể sạch sẽ, tắm bằng nước ấm trong phòng kín. Song song với việc hạ nhiệt cơ thể, phải bảo đảm chế độ dinh dưỡng đủ chất bao gồm đạm, bột, béo, nước và đặc biệt là vitamin để tăng sức đề kháng cho cơ thể. Cho bệnh nhân ăn những thức ăn lỏng, dễ tiêu, uống nhiều nước hoa quả...
Không được dùng kết hợp cùng lúc các loại thuốc hạ nhiệt khác nhau để tránh hiện tượng quá liều thuốc và khoảng cách giữa các lần dùng thuốc tối thiểu là 4 giờ.
Không nên mặc nhiều quần áo, ủ chăn giữ ấm, dùng khăn lạnh để chườm nhằm giảm sốt hay tự ý mua thuốc kháng sinh cho bệnh nhân uống mà nên để bệnh nhân nằm nơi thoáng mát, chườm mát cho bệnh nhân. Bởi vì sốt vi rút thường ủ bệnh từ 1-2 ngày, đến khi có sốt thì trong cơ thể người bệnh đã nhiễm vi rút từ trước đó. Biểu hiện sốt cao khiến cơ thể người bệnh suy nhược nhanh chóng, mất nước và có nguy cơ co giật làm ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương, bệnh nhân khó thở do bị suy hô hấp. Việc chườm bằng khăn lạnh, khăn ướp nước đá sẽ làm hạ nhiệt đột ngột trong khi chức năng hô hấp đang bị suy giảm là rất nguy hiểm cho tính mạng. Ủ quá ấm cho bệnh nhân lại tạo điều kiện cho thân nhiệt tăng cao hơn.
Để phòng bệnh sốt vi rút, nên hết sức lưu ý giữ gìn vệ sinh môi trường, vệ sinh nhà ở, nơi làm việc, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời có lối sống lành mạnh, không thức khuya để cơ thể nhiễm lạnh, tập luyện thể dục thể thao, nghỉ ngơi, lao động hợp lý. Khi đã bị nhiễm bệnh cần cách ly, hạn chế lây lan bệnh trong cộng đồng vì sốt vi rút rất dễ gây thành dịch. Trong số những bệnh do vi rút gây nên như sởi, quai bị, viêm não Nhật Bản… đã có vắc xin phòng bệnh và mọi người nên đến các cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn và tiêm phòng.
Hồng Vân
Ý kiến bạn đọc