Multimedia Đọc Báo in

Những điều cần biết về bệnh ho gà

06:03, 17/04/2013

Bệnh ho gà là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, lưu hành ở mọi nơi trên thế giới. Bệnh xảy ra với trẻ từ 1-6 tuổi và thường gặp hơn ở trẻ dưới 1 tuổi. Ở nước ta, sau khi Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia được triển khai, tất cả trẻ dưới 1 tuổi được gây miễn dịch cơ bản bằng 3 liều vắc xin DPT (bạch hầu, ho gà, uốn ván) và có thể tiêm bổ sung cho trẻ trên 18 tháng tuổi bằng 1 mũi vắc xin DPT (mũi  thứ 4). Hiện nay, trẻ dưới 1 tuổi được tiêm 1 liều vắc xin 5 trong một (gồm bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm màng não do Haemophilus Influenzae).

Bệnh ho gà do trực khuẩn ho gà Bordetella pertussis gây ra. Vi khuẩn gây bệnh lây truyền từ người mắc bệnh ho gà sang người lành qua đường hô hấp với các chất dịch tiết ra từ miệng người bệnh. Bác sĩ chuyên khoa I Trần Kim Long, Phó Phòng Kiểm soát dịch bệnh, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: “Bệnh được biểu hiện với những triệu chứng điển hình như: cơn ho sặc sụa, mặt đỏ, sau cơn ho thường có tiếng rít và trẻ thường ói mửa. Khi thấy những dấu hiệu nghi ngờ trẻ bị bệnh ho gà, cần đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế”. Bệnh ho gà có thể dẫn đến các biến chứng như: trẻ bị lồng ruột do ho nhiều, viêm, giãn phế quản hoặc viêm phổi. Những cơn ho mạnh có thể gây thoát vị rốn, thoát vị bẹn, sa trực tràng hoặc vỡ cơ hoành, tràn khí dưới da, tràn khí màng phổi. Một số rất ít người có biến chứng về thần kinh dẫn đến liệt nửa người, liệt một chi, rối loạn tâm thần, chậm phát triển trí tuệ, co giật do thiếu ôxy não hoặc do sốt cao, xuất huyết não...

Khi trẻ có những cơn ho, cần giữ cho trẻ ngồi đầu hơi nghiêng về phía trước và nên chuẩn bị trước thau hoặc bô để trẻ có thể khạc nhổ đờm hoặc nôn (ói mửa). Về nguyên tắc điều trị, các bác sĩ chuyên khoa Nhi hoặc khoa Truyền nhiễm sẽ cho trẻ dùng kháng sinh để điều trị triệu chứng (ho, khó thở) và điều trị biến chứng. Nếu được điều trị sớm trong vòng 7 ngày đầu sẽ giúp giảm các cơn ho và giảm nguy cơ lây lan của bệnh. Trong cơn ho phải để trẻ ở tư thế ngồi để tránh trào đờm dãi vào phổi, trẻ nhỏ phải cho nằm nghiêng để dễ móc đờm dãi. Trong thời gian điều trị nên cho trẻ uống nhiều nước, ăn những thức ăn dễ tiêu như cháo, sữa… và chia thành nhiều bữa; trẻ còn bú mẹ, tiếp tục cho trẻ bú.

Để phòng bệnh hiệu quả nên đưa trẻ đi tiêm chủng. Đặc biệt, phụ huynh hoặc người chăm sóc trẻ cần nhớ và cất giữ phiếu tiêm chủng của trẻ cẩn thận để giúp cán bộ y tế nắm được chính xác lịch tiêm chủng của trẻ qua đó giúp trẻ được tiêm đúng tháng tuổi và đủ mũi tiêm. Những trẻ bị bệnh cần được cách ly, tránh tiếp xúc với trẻ khác để giảm nguy cơ lây bệnh cho cộng đồng. Bệnh chỉ lây khi tiếp xúc trực tiếp trong cùng một không gian như hộ gia đình.

Hồng Vân


Ý kiến bạn đọc