Multimedia Đọc Báo in

Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2013: Sẽ áp dụng nhiều biện pháp mạnh để răn đe những cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm

10:41, 12/04/2013

 Để hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, trọng tâm là các bếp ăn tập thể ở các khu công nghiệp, bệnh viện, trường học, nơi ăn uống tập trung đông người, Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) năm 2013 (từ ngày 15-4 đến 15-5) được triển khai với chủ đề “An toàn thực phẩm bếp ăn tập thể”. Bác sĩ BÙI QUANG LỘC, Chi cục Trưởng Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh đã trao đổi với phóng viên Báo Dak Lak một số nội dung xoay quanh chủ đề này.


Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra công tác ATTP tại siêu thị Co.opMart dịp tết Trung thu 2012.
Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra công tác ATTP tại siêu thị Co.opMart dịp tết Trung thu 2012.

 

*Thưa bác sĩ, chủ đề của Tháng hành động vì chất lượng VSATTP năm nay là “An toàn thực phẩm bếp ăn tập thể”, vậy ở tỉnh ta những hoạt động chính sẽ được triển khai là gì?

-Sở dĩ chủ đề của Tháng hành động vì chất lượng VSATTP năm nay chú trọng đến an toàn thực phẩm ở các bếp ăn tập thể là bởi bếp ăn tập thể phục vụ đông người, nếu chỉ cần mắc một sai sót hoặc một lỗi nhỏ cũng có thể ảnh hưởng đến nhiều người và hậu quả rất nặng nề. Do vậy, để thực hiện được mục tiêu của Tháng hành động đặt ra là có trên 80% chủ doanh nghiệp có bếp ăn tập thể đông người ký cam kết chấp hành đầy đủ các quy định về bảo đảm ATTP, việc đầu tiên là đẩy mạnh hoạt động truyền thông giáo dục. Tiếp đến, chúng tôi sẽ mời các tổ chức, đơn vị, các chủ cơ sở được doanh nghiệp hợp đồng vào phục vụ trong các nhà máy, xí nghiệp ký cam kết bảo đảm ATTP với ngành y tế để trên cơ sở cam kết này sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra. Và một hoạt động chính nữa của Tháng hành động năm nay là công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm. Hiện nay, theo quy định mới, UBND các cấp quản lý về dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố nên một trong những yêu cầu của đợt này là phải thống kê cho được số cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bởi chúng ta có nắm được số lượng thì mới tiến hành quản lý.

*Đối với những đơn vị, doanh nghiệp chưa chấp hành tốt các quy định về bảo đảm ATTP, ngành sẽ có các biện pháp xử lý như thế nào, thưa bác sĩ?

-Đối với các cơ sở chưa chấp hành tốt về ATTP, các đoàn thanh tra, kiểm tra đã cơ cấu đủ mạnh, đủ chức năng, quyền hạn theo Luật Thanh tra và theo Nghị định 07 về thanh tra chuyên ngành để có thể thực hiện ngay các biện pháp xử phạt hành chính. Trước đây, mức phạt tối đa cho các hành vi vi phạm về ATTP là 15 triệu đồng, nhưng hiện nay, thực hiện theo Nghị định 91 năm 2012 của Chính phủ về xử lý vi phạm trong lĩnh vực này, mức tối đa trong xử lý vi phạm là 100 triệu đồng và mỗi hành vi sai trái nhỏ đều được tổng hợp thành tổng vi phạm. Do vậy, có thể khẳng định, ngoài hình thức cảnh cáo thì hình thức phạt tiền cũng đủ sức để răn đe các đơn vị, doanh nghiệp không chấp hành đầy đủ các quy định về bảo đảm ATTP. Ngoài ra, một biện pháp, hình thức xử lý bổ sung sẽ được tiến hành đối với các cơ sở vi phạm về ATTP là thu hồi các giấy tờ liên quan đến hoạt động của đơn vị, doanh nghiệp như tạm giữ giấy phép kinh doanh, chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đã được cấp. Nếu trong thời gian sau đó, đơn vị, doanh nghiệp giải trình, khắc phục đủ điều kiện thì sẽ được cấp lại, còn ngược lại sẽ bị thu hồi.

*Một trong những hoạt động chính của Tháng hành động năm nay là đẩy mạnh truyền thông giáo dục. Theo bác sĩ, để việc tuyên truyền đạt hiệu quả thì đâu là biện pháp hữu hiệu?

-Thực ra, để việc truyền thông đạt được hiệu quả thì phải huy động nhiều kênh, bởi mỗi đối tượng sẽ tiếp cận thông tin qua các kênh khác nhau, có thể là đài, báo, phát thanh truyền hình, hay kênh thông tin khác…  Nhưng hiện nay một kênh quan trọng, trực tiếp đang được các ngành tổ chức, triển khai đó là tập huấn về VSATTP cho các đối tượng trực tiếp tham gia cũng như chủ doanh nghiệp sản xuất thực phẩm. Tôi nghĩ đó là kênh lớn nhất, sâu nhất và tạo được hiệu quả đối với các đối tượng sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm. Còn các kênh khác sẽ phục vụ cho người tiêu dùng và các đối tượng khác. Bên cạnh đó chúng ta cũng đang có chương trình phổ biến quy phạm pháp luật đến với các đối tượng là cán bộ quản lý, người tiêu dùng... Nói tóm lại, trong Tháng hành động này, chúng tôi sẽ huy động tối đa các kênh truyền thông nhằm làm thay đổi hành vi, nâng cao trách nhiệm không chỉ của người kinh doanh thực phẩm mà cả người sử dụng thực phẩm.

-Xin cảm ơn bác sĩ!

Kim Oanh (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.