Multimedia Đọc Báo in

Chủ động phòng chống ngộ độc thực phẩm trong mùa hè

09:03, 19/05/2013

Thực phẩm là nguồn cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, nhưng nếu thực phẩm không bảo đảm vệ sinh an toàn thì đó chính là nguồn gây bệnh, gây ngộ độc. Đặc biệt, mùa hè với điều kiện thời tiết nắng nóng là cơ hội thuận lợi để vi khuẩn phát triển, số lượng bệnh nhân phải nhập viện do ngộ độc thức ăn cũng tăng lên. Vì thế cẩn thận với nguy cơ ngộ độc thức ăn trong mùa hè là điều cần thiết.

Trong mùa hè, nguy cơ ngộ độc cao nhất là từ thức ăn có nguồn gốc động vật và các loại thực phẩm có nhiều dầu, đạm như: cá, hải sản, sữa… Nếu thực phẩm không được chế biến kỹ, nấu xong không ăn ngay hoặc sau khi ăn bảo quản không cẩn thận thì nguy cơ gây ngộ độc là rất lớn. Một thực tế đáng lo ngại là nguy cơ gây ngộ độc chủ yếu từ những cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống. Hiện nay những người trực tiếp chế biến thức ăn và ngay cả người tiêu dùng hầu như đều thiếu kiến thức và thiếu trách nhiệm trong việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Thêm vào đó, thức ăn đường phố phần lớn không rõ nguồn gốc, quán xá nằm ở vỉa hè, sát đường giao thông, nếu bụi và khí thải như xăng dầu nhiễm vào thực phẩm thì nguy cơ xảy ra ngộ độc sẽ rất cao.

Khâu sản xuất, chế biến thực phẩm cần phải chú trọng bảo đảm ATVSTP.
Khâu sản xuất, chế biến thực phẩm cần phải chú trọng bảo đảm ATVSTP.

Người tiêu dùng khi lựa chọn các loại thực phẩm nên mua những thực phẩm còn tươi, thực phẩm có nhãn mác và hạn sử dụng rõ ràng… Nỗi lo thường trực gần đây của những người nội trợ là mua phải các loại thực phẩm ướp hóa chất như: tôm cá ướp urê, thịt ướp hàn the, rau xanh, trái cây ướp hóa chất làm tươi lâu, tôm cá khô tẩm chất chống mốc, thực phẩm chế biến chứa chất bảo quản… Theo các nhà chuyên môn, các loại thực phẩm nhờ kỹ thuật bảo quản mà tươi lâu thì các loại hóa chất độc hại đó sẽ gây ra khả năng ngộ độc là rất cao. Ngoài ra, người tiêu dùng khi mua thực phẩm đông lạnh ở siêu thị cũng phải xem kỹ vì có thể có hàng cũ, mới xen kẽ, nếu giữ đông không đúng, cá có thể bị giảm 40-50% đạm. Song song đó, cũng cần chú ý đến khâu chế biến thức ăn như: thực hiện ngâm rửa sạch rau quả tươi, không để lẫn thức ăn sống và thức ăn chín; rửa tay trước khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; giữ bếp, dụng cụ, nơi chế biến luôn sạch sẽ, gọn gàng và khô ráo; không ăn thức ăn ôi thiu, mốc hỏng…

Để phòng chống dịch bệnh, mỗi người dân cần chủ động nâng cao ý thức về vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện phương châm “ăn chín, uống chín” nhằm chủ động phòng tránh những bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là ngộ độc thực phẩm.

Nguyệt Ánh

 


Ý kiến bạn đọc