Nhận biết và phòng lây nhiễm cúm A(H1N1) ở người
Vi rút cúm đã gây nhiều vụ dịch lớn trên thế giới với tỷ lệ tử vong cao. Có 3 tuýp vi rút cúm là A, B, C; trong đó vi rút cúm A hay gây thành đại dịch. Năm 2009 vi rút cúm A(H1N1) đã gây thành đại dịch và lan rộng khắp thế giới với diễn biến phức tạp, số người mắc tăng nhanh và nhiều người đã tử vong. Việt Nam cũng là nước bị đại dịch cúm A(H1N1) tấn công, lan rộng trong cộng đồng và đã có trường hợp tử vong. Tuy nhiên, sau một thời gian khống chế được dịch thì hiện nay dịch cúm A(H1N1) đã bùng phát trở lại. Trong 3 tháng đầu năm 2013, Việt Nam đã có trên 300.000 người nhiễm cúm, trong đó đã có 3 trường hợp tử vong do cúm A(H1N1) tại Yên Bái (2 trường hợp) và Thanh Hóa (1 trường hợp).
Trước nguy cơ dịch bệnh lan rộng người dân cần chủ động theo dõi sức khỏe hằng ngày để phát hiện triệu chứng cúm và các bệnh đường hô hấp nhằm kịp thời chữa trị. Sau đây là những triệu chứng để nhận biết nhằm phòng ngừa cúm A(H1N1):
Triệu chứng:
- Sốt (thường trên 380C)
- Các triệu chứng về đường hô hấp: Viêm long đường hô hấp, đau họng, ho khan hoặc có đờm.
- Các triệu chứng khác: Đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, nôn, tiêu chảy.
Nhiều trường hợp có các biểu hiện viêm phổi nặng, thậm chí có suy hô hấp cấp và suy tạng.
Cơ chế lây truyền:
Bệnh lây qua đường hô hấp: Người bệnh ho, hắt hơi những hạt nước bọt mang vi rút bắn ra ngoài làm dính ra tay hoặc các đồ vật xung quanh, phát tán trong không khí và người lành hít phải không khí nhiễm vi rút, qua bàn tay sờ vào đồ vật nhiễm vi rút rồi vô tình đưa tay lên mặt, mũi, miệng.
Để chủ động ngăn ngừa bệnh cúm A(H1N1), Bộ Y tế đã khuyến cáo người dân cần thực hiện những biện pháp sau:
- Người bệnh có các triệu chứng cúm như: ho, hắt hơi, sổ mũi nên chủ động đeo khẩu trang, che miệng khi ho, không khạc nhổ bừa bãi và đến các cơ sở y tế để được hướng dẫn điều trị kịp thời, hạn chế lây lan cho người thân và cộng đồng.
- Các cơ quan, xí nghiệp, trường học chủ động theo dõi sức khỏe của người lao động, học sinh, sinh viên, để kịp thời phối hợp với y tế cơ sở tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống tránh lây bệnh cho những người xung quanh; tổ chức hướng dẫn, tuyên truyền phòng chống cúm.
- Người dân nên thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh cá nhân, súc miệng hằng ngày bằng nước sát khuẩn, ăn thức ăn đủ chất dinh dưỡng để ngăn ngừa nhiễm vi rút cúm.
- Các hộ gia đình cần thường xuyên vệ sinh môi trường, thông thoáng nơi ở, lau chùi bề mặt, đồ dùng, vật dụng sinh hoạt bằng các hóa chất sát khuẩn thông thường.
- Phụ nữ có thai, người mắc bệnh mạn tính (bệnh tim mạch, hen, lao phổi, tiểu đường, béo phì, suy dinh dưỡng, bệnh nhân AIDS...), người già, trẻ em dễ xảy ra biến chứng nặng khi bị nhiễm cúm A(H1N1) do vậy khi có biểu hiện nghi ngờ cúm cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị kịp thời, hạn chế tử vong.
- Mọi người dân cần chủ động theo dõi sức khỏe hằng ngày để phát hiện triệu chứng cúm và các bệnh đường hô hấp. Thông báo kịp thời cho cơ sở y tế gần nhất, hoặc thông báo tới Khoa Kiểm soát dịch bệnh và vắc xin sinh phẩm, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, số 72 Lê Duẩn, TP. Buôn Ma Thuột, điện thoại: 0500.3811712.
Hồng Vân
Ý kiến bạn đọc