Multimedia Đọc Báo in

Tác hại của hút thuốc lá thụ động đối với sức khỏe

21:12, 31/05/2013

Hút thuốc lá không chỉ ảnh hưởng đến chính bản thân người hút thuốc mà còn ảnh hưởng đến những người xung quanh. Người già và trẻ em là hai đối tượng bị tác động rất lớn từ khói thuốc. Tiếp xúc với khói thuốc hay còn gọi là hút thuốc lá thụ động là hình thức hít khói thuốc từ không khí mà không trực tiếp hút thuốc lá hoặc thuốc lào và cũng bị những tác hại nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe.

Cơ quan bảo vệ môi trường của Mỹ đã xếp khói thuốc lá vào danh sách các chất gây ung thư. Khói thuốc được coi là chất độc hại nhất trong môi trường cư trú. Khi hút thuốc người hút sẽ hít vào cơ thể 20%, còn 80% thải ra ngoài môi trường không khí. Khói thuốc có thể tồn tại trong không khí sau hai giờ ngay cả khi không còn nhìn hoặc ngửi thấy mùi thuốc. Do đó những người sống hoặc làm việc cùng người hút thuốc thường xuyên có thể tiếp nhận lượng khói thuốc tương đương việc hút 5 điếu mỗi ngày.

Trong Hội thảo phổ biến Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá vừa tổ chức tại Dak Lak, Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam đã cho biết, thuốc lá có chứa khoảng 7.000 chất độc hóa học, trong đó chứa khoảng 70 chất có khả năng gây ung thư. Tiếp xúc với khói thuốc lá trong một thời gian ngắn cũng ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thần kinh, mạch máu và nội tiết gây ra những bệnh về tim mạch, giảm trí nhớ...

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam là một trong 15 nước có tỷ lệ người hút thuốc lá cao nhất thế giới; tỷ lệ người không hút thuốc lá nhưng bị ảnh hưởng bởi khói thuốc lá là gần 60% ở nhà, hơn 60% ở nơi làm việc và hơn 85% ở các quán cà phê, quán nhậu… Hai phần ba trẻ em và phụ nữ phải thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động. Mỗi năm có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh có liên quan đến khói thuốc lá, ước tính đến năm 2030 con số này có thể tăng lên 70.000 người/ năm. Còn trên thế giới mỗi năm có khoảng 600.000 ca tử vong do hút thuốc lá thụ động, trong đó 64% số ca tử vong do hút thuốc thụ động là phụ nữ. 

Trẻ em là đối tượng chịu ảnh hưởng từ thói quen hút thuốc lá của người lớn và việc hút thuốc lá thụ động không chỉ ảnh hưởng đến phổi của trẻ mà còn ảnh hưởng đến não, tim và đường ruột… Đã có rất nhiều nghiên cứu chứng minh rằng hút thuốc lá thụ động làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp, khởi phát cơn hen, viêm phế quản, viêm phổi… làm trẻ thường xuyên ho, sổ mũi. Những trẻ em sống trong môi trường khói thuốc hay bị viêm họng, viêm tắc mũi, khàn tiếng và bị cúm hơn những đứa trẻ sống trong môi trường không có khói thuốc. Những trẻ tiếp xúc khói thuốc cũng có tỷ lệ nạo VA và cắt Amidal nhiều hơn. Ngoài ra, sống trong môi trường có khói thuốc lá trẻ còn có nguy cơ mắc các bệnh đường ruột, giảm khả năng tiếp thu bài học. Khói thuốc còn gây ra chứng đột tử ở trẻ sơ sinh.

Các chuyên gia ước tính rằng mỗi năm có khoảng 150.000 - 300.000 trẻ em dưới 18 tháng tuổi bị viêm phế quản hoặc viêm phổi có liên quan đến khói thuốc lá. Những trẻ dưới 1 tuổi là con của những người hút thuốc lá thường bị viêm phế quản hoặc viêm phổi cao gấp đôi  trẻ con của những người không hút thuốc lá.

Phụ nữ có thai hút thuốc lá có nguy cơ sẩy thai cao, trẻ đẻ nhẹ cân hoặc tử vong. Những trẻ sơ sinh có người cha hút thuốc trong những tháng trước và thời gian người mẹ mang thai có nguy cơ gấp đôi bị hở hàm ếch, bệnh bạch cầu và chịu mức rủi ro bị ung thư não cao hơn tới 40% so với những trẻ mà có cha không bao giờ hút thuốc.

Để được khỏe mạnh, ngoài có một chế độ dinh dưỡng cân đối, hợp lý, luyện tập thể dục thể thao thường xuyên, phù hợp với sức khỏe của mỗi người thì việc sống trong một môi trường trong lành là rất quan trọng, trong đó có môi trường không khói thuốc lá.

Hồng Vân 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.