Multimedia Đọc Báo in

Để giúp trẻ khỏe mạnh và chóng lớn

09:14, 14/09/2013
Để trẻ khỏe mạnh, mau lớn và thông minh cần phải chăm sóc trẻ cả về thể chất và tinh thần. Việc chăm sóc trẻ tốt sẽ góp phần giảm chi phí khám chữa bệnh và thời gian.

1. Nuôi con bằng sữa mẹ

Trong vòng 6 tháng đầu sau sinh trẻ cần được nuôi bằng sữa mẹ hoàn toàn. Nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn có nghĩa là chỉ cho con bú sữa mẹ mà không cần ăn thêm bất cứ một loại thức ăn, nước uống nào khác ngay cả nước đun sôi để nguội.

Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ, ngay cả khi mẹ bị bệnh, có thai, có kinh nguyệt hay gầy yếu. Sữa mẹ chứa tất cả các chất dinh dưỡng hoàn hảo nhất như chất đạm, chất béo, chất sắt và đầy đủ các loại vitamin, những chất kháng khuẩn cần thiết cho trẻ.

Cho trẻ bú mẹ sớm  trong vòng  một giờ đầu sau khi sinh, cần bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng tuổi.

2. Ăn bổ sung hợp lý

Từ 6 tháng tuổi trở lên, ngoài sữa mẹ cần cho trẻ ăn bổ sung mỗi ngày 1-2 bữa bột loãng, quấy đặc dần lên, mỗi bữa cho trẻ ăn từ 4-6 thìa (tương đương 20-30ml).

Từ 7-8 tháng tuổi ngoài bú mẹ cho trẻ ăn thêm 3 bữa bột đặc (2/3 bát mỗi bữa và cho thêm trái cây chín như đu đủ, hồng xiêm, chuối, xoài (trái cây cần nghiền nhỏ).

Từ 9-11 tháng ngoài bú mẹ cho trẻ ăn thêm 3 bữa bột hoặc cháo

Từ 12-24 tháng, tiếp tục cho trẻ bú mẹ và ăn 3 bữa cơm nát hoặc cháo đặc (mỗi bữa 1 bát), kèm theo hai bữa ăn phụ.

Từ 25-36  tháng ngoài 3 bữa chính, cho trẻ ăn thêm 2 bữa phụ. Thức ăn dành cho trẻ cần được nấu mềm, dễ tiêu hóa.

Chế độ ăn của trẻ cần đảm bảo đủ và cân bằng 4 nhóm thực phẩm:

Nhóm thức ăn giàu chất bột đường: gạo, ngô, khoai, hủ tiếu, miến, bún, nui...

Nhóm chất béo gồm các loại dầu ăn, mỡ, bơ, pho mát, lạc, vừng.... Hai nhóm thức ăn này cung cấp năng lượng cho hoạt động thể lực, đi lại, chạy nhảy, lao động chân tay.

Nhóm thức ăn giàu chất đạm: thịt lợn, thịt bò, thịt gà, cá, tôm, cua, lươn, tim, gan động vật, trứng, sữa…

Nhóm vitamin và khoáng chất gồm các loại rau xanh và trái cây nhằm cung cấp các sinh tố, khoáng chất giúp cơ thể khỏe mạnh, mắt sáng, thính tai...

 Cho trẻ ăn thêm dầu mỡ ngoài việc tăng năng lượng của khẩu phần còn giúp trẻ hấp thu các loại vitamin tan trong dầu mỡ như vitamin A, E, D, K. Thực đơn nên đa dạng để cân đối về tỷ lệ các chất dinh dưỡng, thay đổi nhiều món sẽ giúp trẻ có cảm giác ngon miệng, đồng thời bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Thông thường tỷ lệ cân đối là: 3:2:1 Cụ thể 30g gạo, 20g thịt, 10g rau.

Dụng cụ chế biến, chứa đựng thực phẩm và dụng cụ cho trẻ ăn phải sạch sẽ, phải rửa tay trước khi chế biến thức ăn và khi cho trẻ ăn.

3.Tiêm chủng

Tiêm chủng là một biện pháp phòng bệnh hiệu quả được thực hiện bằng cách đưa vắc xin vào cơ thể người chưa từng bị nhiễm bệnh và hệ thống miễn dịch còn nguyên vẹn để kích thích cơ thể sản xuất ra kháng thể chống lại vi sinh vật trước khi chúng gây bệnh cho cơ thể. Tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch sẽ tạo cho trẻ sức đề kháng chống lại một số bệnh nguy hiểm. Tất cả trẻ nhỏ đều được tiêm chủng miễn phí bởi chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia, không phân biệt giàu nghèo hay dân tộc. Có 8 loại vắc xin phòng bệnh cho trẻ nhỏ được tiêm miễn phí trong chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia là: Lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm màng não mủ, viêm gan siêu vi B, bại liệt, sởi.

Để tiêm chủng cho trẻ, người chăm sóc trẻ nên đưa trẻ tới trạm y tế xã, phường hoặc Trung tâm y tế dự phòng. Tại trạm y tế xã, phường thường tiêm vào một ngày nhất định trong tháng, tùy theo quy định của trạm y tế.

4. Giấc ngủ

Ngoài chế độ dinh dưỡng đầy đủ thì giấc ngủ cũng rất quan trọng đối với trẻ. Nếu trẻ ngủ sâu sẽ giúp tiết hormone tăng trưởng, giúp hấp thu calci, kích thích xương trẻ dài ra và phát triển toàn diện về thể chất.

Trẻ sơ sinh thường ngủ rất nhiều, mỗi ngày trẻ ngủ 18 - 20 tiếng. Trẻ từ 2-3 tuổi ngủ khoảng 13 giờ trong một ngày. Trẻ hơn 4 tuổi ngủ khoảng 10 giờ trong một ngày. Tuy nhiên, thời gian ngủ trong ngày cũng tùy thuộc vào từng trẻ. Trẻ ngủ ít nhưng trẻ vẫn vui vẻ, chơi, hoạt động bình thường là bình thường.

5.Vệ sinh

Vệ sinh cá nhân sạch sẽ góp phần phòng một số bệnh, nhất và các bệnh về da, bệnh truyền nhiễm, nhiễm trùng. Tạo môi trường sống sạch sẽ và thoáng mát cho trẻ.

Bên cạnh việc chăm sóc cho trẻ về mặt thể chất thì việc chăm sóc về mặt tinh thần cũng rất quan trọng. Người chăm sóc trẻ không quan tâm đến trẻ có thể dẫn đến một số bệnh đang ngày càng gia tăng hiện nay như bệnh tự kỷ, trầm cảm, hoặc làm cho trẻ giảm sự phát triển trí tuệ khi trưởng thành. Quan tâm đến trẻ sẽ giúp người chăm sóc trẻ kịp thời uốn nắn những sai lệch mà trẻ mắc phải, đồng thời phát hiện kịp thời những dấu hiệu bệnh tật. Cần thể hiện tình cảm thông qua ánh mắt, nụ cười, cử chỉ, cách gợi chuyện với trẻ. Luôn tạo cho trẻ có niềm vui trong sinh hoạt hàng ngày.   

Hồng Vân


Ý kiến bạn đọc