Hiệu quả ban đầu từ một dự án
Từ cuối năm 2011, Dự án “Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ em dân tộc thiểu số thông qua hành vi có lợi cho sức khỏe” do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Y tế cộng đồng làm chủ dự án với sự tài trợ của tổ chức Atlantic PhilanThropies được triển khai tại 16 xã thuộc 2 huyện Krông Bông và Ea Súp. Đến nay, sau hơn 2 năm triển khai, dự án đã đạt được những kết quả khả quan, góp phần vào việc nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống của nhân dân trên địa bàn.
Ngay từ những ngày đầu triển khai, Dự án “Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ em dân tộc thiểu số thông qua hành vi có lợi cho sức khỏe” đã tập trung đẩy mạnh các hoạt động can thiệp cụ thể, phù hợp với từng địa phương, tập trung đào tạo nhân lực, nâng cao năng lực truyền thông cho cán bộ y tế các tuyến từ tỉnh đến cơ sở; trang bị kiến thức, kỹ năng tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em cho đội ngũ y tế thôn buôn; tăng cường kiến thức và hành vi của nam giới trong việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em… Ban Quản lý dự án đặc biệt chú trọng đến các nội dung can thiệp, như: truyền thông thay đổi hành vi về làm mẹ an toàn, chăm sóc trẻ em; hỗ trợ sữa cho trẻ em suy dinh dưỡng, tạo điều kiện cho một số gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vay vốn để phát triển kinh tế gia đình; đồng thời, tổ chức các buổi truyền thông trực tiếp thông qua hình thức biểu diễn văn nghệ tại cộng đồng nhằm tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em…Bên cạnh đó, dự án còn tổ chức các hội nghị vận động lãnh đạo chính quyền các cấp từ tỉnh đến huyện, xã, phường nhằm giới thiệu dự án, các can thiệp và những lợi ích mà dự án mang lại; đồng thời, nâng cao nhận thức về các vấn đề liên quan đến sức khỏe bà mẹ và trẻ em của các cấp lãnh đạo, từ đó, kêu gọi sự ủng hộ và cam kết của họ trong việc triển khai và phối hợp thực hiện dự án. Sau hơn 2 năm hoạt động, dự án đã tổ chức được 24 hội nghị vận động tại 2 huyện Krông Bông và Ea Súp; trong đó, có 2 hội nghị vận động tham gia và phối hợp thực hiện dự án tại huyện, 16 hội nghị vận động cộng đồng và 6 hội nghị sơ kết phong trào vận động cộng đồng chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em; đào tạo kỹ năng truyền thông trực tiếp về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em cho hơn 200 cán bộ y tế từ huyện đến thôn, buôn…
Cải thiện sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em dân tộc thiểu số là một trong những hoạt động cần thiết nhằm nâng cao sức khỏe và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân. (Ảnh: Đình Thi) |
Những hoạt động của Dự án “Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ em dân tộc thiểu số thông qua hành vi có lợi cho sức khỏe” đã góp phần mang lại những hiệu quả tích cực. Đến nay, tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và thấp còi tại huyện Krông Bông đã giảm hơn 3% so với năm 2010. Tại huyện Ea Súp, trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân hiện giảm còn 26,7% và tỷ lệ thấp còi là 35,2%, giảm từ 0,5 đến 1% so với năm 2011. Các trường hợp bà mẹ bị tai biến sản khoa cũng giảm rõ rệt… Nhờ các hoạt động truyền thông tác động tích cực nên nhận thức về chăm sóc sức khỏe của đại đa số người dân, đặc biệt là các hộ người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn đã được nâng lên rõ rệt, nhiều gia đình đã nhận thức được tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em nên thường xuyên tạo điều kiện cho bà mẹ mang thai nghỉ ngơi hợp lý, bảo đảm dinh dưỡng và nuôi con bằng sữa mẹ. Ở nhiều gia đình người Êđê, Mường… tại các xã Cư Pui, Hòa Phong, Hòa Sơn (huyện Krông Bông) hay Ya Lốp (huyện Ea Súp), người chồng đã có nhận thức đúng đắn hơn về việc sinh đẻ có kế hoạch, biết đưa vợ đi khám thai, sinh đẻ tại Trạm y tế, chăm sóc con cái, chia sẻ việc nhà và tạo điều kiện nghỉ ngơi khi vợ mang thai... Chị H’Nga Niê, người dân buôn Tliêr, xã Hòa Phong (huyện Krông Bông) cho biết: “Khi tôi mang thai, gia đình tôi rất quan tâm và luôn tạo điều kiện cho tôi ở nhà nghỉ ngơi, làm những công việc nhẹ nhàng. Còn chồng tôi, không chỉ chăm lo chế độ dinh dưỡng cho vợ khi có thai mà còn biết thường xuyên đưa tôi đi khám thai định kỳ ở Trạm y tế”.
Dù vậy, những hiệu quả mà Dự án “Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ em dân tộc thiểu số thông qua hành vi có lợi cho sức khỏe” mới chỉ là bước đầu. Cần nhiều hơn nỗ lực phối hợp của các cấp chính quyền cũng như các ban ngành hữu quan để đẩy mạnh các hoạt động cải thiện sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em dân tộc thiểu số. Bác sĩ Chuyên khoa I Nguyễn Trung Thành, Phó Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Dự án “Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ em dân tộc thiểu số thông qua hành vi có lợi cho sức khỏe” tỉnh cho biết: “Để đạt được những mục tiêu của dự án đề ra, trong thời gian tới rất cần sự quan tâm, hỗ trợ và tạo điều kiện hơn nữa của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong việc triển khai các hoạt động của dự án, đặc biệt là tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe với truyền thông theo nhiều hình thức, tiếp tục kiện toàn bộ máy từ tỉnh đến cơ sở để hoạt động đồng bộ và hiệu quả; đồng thời nâng cao chất lượng thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng”.
Lan Xuân
Ý kiến bạn đọc