Phòng và chữa bệnh giãn tĩnh mạch
Bệnh giãn tĩnh mạch chân có liên quan đến yếu tố di truyền, nữ thường mắc nhiều hơn nam do ảnh hưởng của nội tiết tố estrogen và thai nghén (tử cung bị to ra chèn ép lên thành tĩnh mạch). Bệnh cũng liên quan đến một số yếu tố khác: béo phì, ít hoạt động, nghề nghiệp thường phải đứng lâu, dùng giày không thích hợp, mặc quần áo quá chật, nóng.
Các triệu chứng thường gặp: Nặng chân, nhức chân, vọp bẻ về đêm, sưng nề, ngứa, khó chịu ở chân, giãn hoặc trướng tĩnh mạch, phù chi dưới…
Có 3 phương pháp điều trị. Phổ biến nhất là dùng băng ép nhằm phục hồi áp suất chênh lệch giữa hai hệ thống tĩnh mạch nông và sâu, giảm đường kính lòng tĩnh mạch để tăng khả năng lưu thông máu. Cách thứ hai là dùng các thuốc làm vững bền thành mạch như: daflon, rutin C, veinamitol..., hoặc các thuốc làm xơ hóa lòng mạch, tiêm gây xơ tại chỗ. Phương pháp thứ ba là phẫu thuật lấy bỏ các tĩnh mạch nông bị giãn.
Để hạn chế giãn tĩnh mạch chân, cần lưu ý:
- Vận động các cơ bắp chân.
- Giảm bớt áp lực cho các tĩnh mạch ở chân: Tránh những tư thế gây cản trở máu tĩnh mạch chân lưu thông như ngồi xổm, ngồi hoặc đứng lâu, ngồi vắt chéo chân, đi giày cao gót. Khi nằm nên kê chân cao 10-15 cm.
- Mang bít tất thun hoặc một loại băng thun có tính đàn hồi nhằm ép tĩnh mạch nông, giúp cho tuần hoàn máu được tốt hơn.
-Tập luyện đôi chân với các động tác: đạp xe, cử động các ngón chân với cẳng chân nâng lên luân phiên, gập duỗi ngón chân, xoay tròn theo chiều kim đồng hồ và ngược lại, đứng bằng đầu ngón chân, đi bằng gót chân…
- Không nên đứng gần nơi có nhiệt độ cao, ngâm chân vào nước nóng …
- Nếu quá mập thì cần giảm trọng lượng. Ăn các thực phẩm giàu vitamin, nhiều chất xơ để tránh táo bón. Uống 1-2 lít nước mỗi ngày
* Liệu pháp từ thiên nhiên:
- Ngâm chân với lá nho: Trong lá nho chứa nhiều flavonoid và các sắc tố có tác dụng bảo vệ mao mạch. Lấy một nắm lá nho đun với 4 bát nước trong 15 phút sau đó đổ vào xô nước để ngâm chân với nhiệt độ thay đổi liên tục. Trong 5-10 phút đầu ngâm chân với nước nóng sau đó cho vào nước lạnh. Thay đổi nhiệt độ như trên 3-4 lần. Sau đó xoa bóp chân từ dưới lên trên, cuối cùng gác chân lên cao một chút và thư giãn.
-Massage với hỗn hợp tỏi và chanh: Lấy một củ tỏi, thái thành miếng cho vào lọ sạch, vắt 2-3 quả chanh vào, cho thêm 2 thìa cà phê dầu oliu, hoặc dầu hoa quả vào ngâm khoảng 12 tiếng, sau đó lắc đều xoa từ dưới lên trên vào vùng da có tĩnh mạch bị giãn, sau khi xoa khoảng 15 phút dùng khăn mềm, lạnh, đắp lên. Thực hiện vào các buổi tối.
- Cúc vạn thọ: Lấy khoảng 100g cúc vạn thọ, đun sôi với 1 lít nước trong vòng 5 phút, nhúng khăn vào nước này đắp lên vùng tĩnh mạch bị giãn.
- Thuốc đắp từ lá bắp cải (bắp sú): Lá bắp cải có tác dụng chống viêm tốt. Bạn chỉ cần phủ lên chân những lá bắp cải đã ngâm nước trong vòng nửa giờ.
Bài thuốc y học cổ truyền điều trị suy giãn tĩnh mạch: Đào hồng tứ vật gia giảm: Đương quy 20g, xích thược 20g, đào nhân 15g, hồng hoa 10g, xuyên khung 15g, sinh địa 15g, hoàng kỳ 12g, thục địa 10g, hòe hoa 20g, đan sâm 20g. Sắc ngày 1 thang, chia làm 3 lần, uống sau ăn 30 phút, uống khi thuốc còn ấm.
BS. Nguyễn Thị Thúy
(Bệnh viện Y học Cổ truyền )
Ý kiến bạn đọc