Multimedia Đọc Báo in

Sơ cứu gãy xương do chấn thương

11:00, 24/10/2013

Sơ cứu là những trợ giúp hay chữa trị ngay lúc ban đầu cho người bị nạn trước khi có sự can thiệp của cán bộ y tế. Sơ cứu kịp thời, đúng cách có thể giúp cứu sống hoặc tránh được những thương tật vĩnh viễn cho người bị nạn. Tuy nhiên, nếu sơ cứu không đúng cách có thể làm tình trạng chấn thương nặng thêm, di chứng về mặt thẩm mỹ... Để phòng tránh các nguy cơ đáng tiếc này, việc sơ cứu chấn thương ban đầu, trong đó xử trí gãy xương là rất quan trọng.


Trước tiên cần nhận biết gãy xương để sơ cứu đúng cách:
Nếu gãy xương hở (tức là khi xương bị gãy các đầu nhọn của xương  lòi hẳn ra ngoài da), chúng ta có thể dễ dàng nhận biết và xử trí.
Trường hợp gãy xương kín, cần tìm các dấu hiệu chỉ điểm gãy xương như sau:
Giảm hoặc mất khả năng hoạt động vùng chi gãy: Một số trường hợp nạn nhân có thể vận động, thậm chí đi lại được do xương gãy cài nhau. Đặc biệt có những trường hợp người già, gãy cổ xương đùi mà vẫn đi lại được, chỉ hơi đau vùng háng khi vận động nên phải thăm khám kỹ khi xác định.
Đau: là dấu hiệu hay gặp nhất trong gãy xương. Trường hợp nạn nhân đã hôn mê cần khám xét cụ thể để xác định gãy xương, đặc biệt là gãy xương cột sống. Nguyên tắc là tất cả các nạn nhân có chấn thương sọ não cần phải coi là có chấn thương cột sống cổ và cần đựoc xử trí như là có gãy xương cột sống. Để tìm dấu hiệu này người ta dùng ngón tay trỏ miết dọc theo cột sống, nếu có gãy xương bao giờ cũng đau ở một điểm nhất định và thường đau nhói.
Có biểu hiện cử động bất thường khi khám vùng nghi ngờ gãy xương, nhất là gãy xương chi. Bình thường thì chân tay có cử động gấp duỗi ở các khớp xương, nhưng khi nâng nạn nhân thấy cẳng chân, đùi có thể gấp được thì có khả năng xương bị gãy ở chỗ đó. Tuy nhiên, không cố gắng tìm dấu hiệu này vì sẽ gây đau cho nạn nhân dẫn đến sốc hoặc làm xương gãy bị di lệch. Ngoài ra có thể thấy các biến dạng bất thường như bàn chân đổ ra ngoài khi nằm, đùi gấp góc...
Lạo xạo vùng gãy xương: Khi nạn nhân cử động hoặc khi di chuyển, khám có thể thấy tiếng lạo xạo chỗ gãy xương, đây là dấu hiệu chính xác trong chẩn đoán gãy xương, nhưng cũng như trên, không cố khám kỹ nạn nhân để tìm dấu hiệu này vì sẽ gây đau cho nạn nhân dẫn đến sốc hoặc làm xương gãy bị di lệch.
Trường hợp tiếp cận nạn nhân muộn hơn, có thể thấy các dấu hiệu sưng nề vùng chi hoặc chỗ gãy xương, có tụ máu bầm tím da. Ngoài ra có thể thấy các khớp sưng nề, tràn dịch, nhất là các vị trí gãy xương gần khớp.


Sơ cứu gãy xương
Khi nhận biết có dấu hiệu gãy xương, trước tiên cần cầm máu bên ngoài, cố định vị trí xương bị gãy và giảm đau.
Cầm máu: Nếu trường hợp nạn nhân có chảy máu nhiều, đầu xương chọc ra ngoài, không nên cố ý đẩy ngược đầu xương vào trong vì động tác này có thể nguy hiểm, gây sốc cho nạn nhân, nguy cơ nhiễm khuẩn về sau. Do vậy chỉ cần đắp gạc sạch lên đầu xương gãy và chỗ chảy máu, sau đó băng ép lại.
Cố định xương gãy: Việc bất động đóng vai trò quan trọng trong bước đầu xử trí cấp cứu người bị gãy xương. Nếu xử trí không đúng, có thể gây nguy hiểm tính mạng do chèn ép tủy nhất là gãy tủy cổ, hoặc sốc do đau, do mất máu nếu có các gãy xương lớn. Ngoài ra có thể dẫn tới các biến chứng như liệt, chèn ép thần kinh, thậm chí hoại tử chi.
Nếu gãy xương chi có thể dùng nẹp tự tạo để bất động. Thông thường có thể dùng các miếng gỗ, cành cây dài thẳng bọc vải, sau đó đặt dọc theo chiều dài của chi, cuốn băng lại bên ngoài trước khi đưa lên cáng, vận chuyển nạn nhân. Nguyên tắc là phải dùng 3 nẹp đặt quanh trục xương và dài hơn các khớp phía trên và phía dưới xương bị gãy. Với các cháu nhỏ, có thể dùng bìa các-tông để tạo nẹp bất động.
Trường hợp chi bị đứt rời thì cần đặt phần chi bị đứt rời vào gạc và cho tất cả vào túi nilon hay túi chất dẻo không thấm nước hoặc hộp kín, sau đó làm lạnh bằng đá phủ bên ngoài. Không được để phần đứt rời trực tiếp vào nước đá. Nếu bảo quản đúng nguyên tắc thì chi bị đứt rời sau 8-20 tiếng đồng hồ vẫn có thể nối lại được.
Giảm đau: trong quá trình vận chuyển, người bệnh cần được giảm đau bằng các thuốc giảm đau. Ngoài ra người bệnh có thể được truyền dịch, thở ôxy hỗ trợ nếu có kèm nhiều thương tổn, có sốc, mất máu.
Gãy xương tự nó ít làm nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu không được xử trí đúng cách như vội vàng vận chuyển người bị nạn đến cơ sở y tế mà không cố định chỗ gãy tốt, đầu xương gãy di động sẽ làm tổn thương nhiều đến cơ, mạch máu, thần kinh, cơ quan nội tạng...xung quanh nơi bị tổn thương có thể làm người bị nạn tử vong do sốc, mất máu và đau. Vì vậy, nhận biết gãy xương ban đầu do tai nạn thương tích là rất quan trọng, không chỉ nhân viên y tế mà mọi người dân cần có kiến thức tối thiểu để cứu bản thân cũng như người xung quanh khi bị tai nạn. Xử trí sớm và đúng cách sẽ giúp giảm tỷ lệ biến chứng và tử vong do chấn thương gãy xương.

Hồng Vân
 


Ý kiến bạn đọc