Sơ cứu khi bị rắn cắn
Để phân biệt được là rắn lành hay rắn độc cần quan sát kỹ vết răng để lại trên da của nạn nhân. Nếu tại vết cắn thấy cả 2 hàm răng với nhiều vết chấm hình vòng cung và không thấy vết răng nanh là rắn lành, nếu tại nơi bị cắn có 2 vết răng nanh cách nhau 5mm và một số vết răng nhỏ là rắn độc.
Triệu chứng và các dấu hiệu của rắn cắn:
Ở Việt Nam có hai nhóm rắn chính là rắn hổ (hổ mang, cạp nong, cạp nia, rắn sọc, rắn ráo...) và rắn lục. Triệu chứng thường xuất hiện sau khi bị rắn cắn 2 - 4 giờ, có thể đến 8 giờ, triệu chứng xuất hiện càng sớm, thường tổn thương càng nặng
Rắn họ hổ cắn biểu hiện ban đầu là rối loạn cảm giác (tê lưỡi, đau họng, nuốt khó) và bị viêm nhiễm rất sớm, thường chỉ sau 5 phút đến 2 giờ, nạn nhân thấy đau nhức tại chỗ, tay chân tê bại, mệt nhiều, chóng mặt, buồn nôn, rối loạn cơ tròn, khó há miệng, sụp mi, giãn đồng tử, mạch nhanh, huyết áp hạ rồi ngừng tim, ngừng thở và tử vong.
Nếu do rắn lục cắn, nơi bị cắn sưng tấy nhanh, đau buốt, da đỏ bầm, có những đám xuất huyết, chỉ sau 6 giờ toàn chi bị cắn sẽ sưng to, tím tái, sau 12 giờ vết cắn bắt dầu hoại tử, nạn nhân bị trụy tim mạch, viêm thận, suy thận cấp, ngất.
Sơ cứu bệnh nhân:
Để hạn chế tối đa chất độc do rắn cắn lan nhanh trong cơ thể trước khi chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế thì việc sơ cứu đúng cách là rất quan trọng. Theo bác sĩ, chuyên khoa I Hồ Thị Minh Thiện, Phó Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, cần sơ cứu bệnh nhân bị rắn cắn như sau:
- Hạn chế tối đa cử động phần cơ thể bị rắn cắn (vì sẽ làm cho chất độc lan nhanh trong cơ thể), nếu bị cắn ở chân thì không được đi lại hoặc chạy. Cố định chân, tay bị rắn cắn bằng nẹp và đặt nơi bị rắn cắn thấp hơn so với tim để làm chậm sự xuất hiện triệu chứng liệt.
- Buộc ga-rô tĩnh mạch phía trên vết rắn cắn khoảng 3-4 cm (nếu bị cắn ở các chi, để ngăn máu tĩnh mạch chảy về tim). Không được băng chặt, vì nếu làm ga-rô chặt không những không có tác dụng mà còn nguy hiểm do cản trở tuần hoàn động mạch và tĩnh mạch.
- Rửa sạch vết rắn cắn bằng xà phòng và nước sạch.
- Dùng dao đã khử khuẩn (hơ trên ngọn lửa) rạch một đường dài khoảng 10 mm, sâu khoảng 3mm tại vết cắn. Sau đó nặn cho máu ra, sát khuẩn vết rạch bằng cồn hoặc nước oxy già (Lưu ý : nếu vết cắn đã hoại tử hoặc rắn đã cắn hơn 30 phút thì không rạch da vì không có tác dụng)
- Dùng lá cây kim vàng 1 nắm (khoảng 30g) giã nhỏ hoặc xay mịn + 5g phèn chua pha với 100ml nước sôi để nguội, lọc lấy nước uống, bã đắp vào vết thương 30 phút / lần.
- Nếu không có lá cây kim vàng có thể dùng:
+ Nhai một nhúm nhỏ thuốc lào (khoảng 5g) nuốt nước, bã đắp vào vết rắn cắn
+ Lấy 1-2 rễ đu đủ đực, 2 lá trầu không và 1 thìa giấm thanh, nhai kỹ, nước uống, bã đắp vào vết cắn.
+ Lấy 2 lá trầu không, 2g tỏi, 2g gừng, 2g vỏ quế, 1g phèn chua. Nhai kỹ, nước uống, bã đắp vào vết cắn.
+ Lá sắn dây, lá rau ngót, lá phèn đen mỗi thứ một nắm (khoảng 30g) nhai kỹ, nước uống, bã đắp vào vết cắn.
+ Hạt đậu lào 1 hạt tách làm đôi đặt vào tại chỗ vết rắn cắn (hạt đậu sẽ hít chặt vào vết thương) đến khi hạt đậu tự rơi ra, lấy nửa còn lại đặt tiếp vào chỗ rắn cắn.
Sau khi sơ cứu cần bất động chi bị rắn cắn và đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế. Nên chuyển nạn nhân bằng cáng, xe ô tô, không nên chở bằng xe đạp, xe máy nhất là khi nạn nhân có dấu hiệu nặng.
Chú ý cần phải theo dõi sát tình trạng hô hấp của bệnh nhân, nếu quan sát thấy môi bệnh nhân tím tái cần phải thực hiện biện pháp hô hấp nhân tạo. Vì nguyên nhân tử vong hàng đầu là suy hô hấp do liệt cơ hô hấp, nên nếu không được hô hấp nhân tạo kịp thời, có thể bệnh nhân sẽ chết trước khi đến được bệnh viện.
Để phòng ngừa rắn cắn:
Cảnh giác với các loài rắn sau các cơn mưa, trong mùa lũ lụt vì nước ngập nơi trú ẩn rắn sẽ bò ra đường, hoặc tìm nơi ẩn nấp mới
Khi làm việc tại nơi thường có những tổ mối, đống rác, các bụi cây rậm rạp, hang hốc, cần đi ủng, mặc quần áo dày và đánh động trước khi làm việc để xua đuổi rắn.
Khi ngồi nghỉ ở gò, bờ bụi, đống gỗ, gốc cây cần để ý phòng ngừa rắn.
Thường xuyên kiểm tra nhà ở xem có rắn không, cần phát quang và dọn dẹp bụi rậm, cây cối, đống ngói, đống gạch, rác rưởi xung quanh nhà. Những nhà ở trong rẫy cà phê, các lán trông coi mùa vụ cần được quét dọn, kiểm tra phòng ngừa sau những trận mưa rắn bò vào làm tổ trong nhà.
Buổi tối khi đi trông coi nương rẫy cần sử dụng đèn pin và gậy để khua đường.
Những người làm nghề chài lưới không nên lấy tay bắt trực tiếp rắn từ lưới hoặc lưỡi câu bởi có khi vội vàng sẽ nhầm lẫn giữa đầu và đuôi rắn.
Tại ruộng, rẫy nên trồng một số cây thuốc như: Cây kim vàng, cây phèn đen, rau ngót, trầu không, tỏi, gừng, hạt đậu lào...
Hướng dẫn cho mọi người dân biết cách sử dụng các loại cây thuốc trên, khi bị rắn cắn biết cách sơ cứu nhằm hạn chế tối đa các biến chứng của rắn cắn.
Hồng Vân
Ý kiến bạn đọc